Trong những bài thơ như “Ca dân cày”, “ca binh lính”, “Ca công nhân”, “Ca sợi chỉ”, “Hòn đá” ra đời khi Người trở về nước, tại Pắc Bó (1941) cho tới cách mạng tháng 8/ 1945, thì từ nội dung đến hình thức lại rất đơn giản, dễ dãi, giống như những bài vè dân gian. Đó là vì Người nhằm tuyên truyền đường lối chính sách của mặt trận Việt Minh vào đối tượng là nhân dân lao động ở Việt Bắc phần lớn là văn hóa thấp kém, thậm chí mù chữ.
1. Nội dung tuyên truyền cách mạng trong thơ ca
Việt Nam độc lập đồng Minh
Có bản chương trình đánh Nhật đuổi Tây
…Thương thay những bạn dân cày
Chân tay bùn lấm suốt ngày gian lao.
Mục đích ấy, đối tượng ấy thì phải viết như vậy mới có thể đưa được chính trị vào lòng đại chúng hồi bấy giờ.
Tuy nhiên khi viết những bài như “Tặng Võ Công” (tặng cụ Võ Liêm Sơn), “Tặng Bùi Công”, (tặng Bùi Bằng Đoàn) thì lại viết khác hẳn với những bài “ca dân cày”, “ca binh lính”… Thơ viết bằng chữ Hán, lời hay ý đẹp mang màu sắc cổ điển của thơ Đường, thơ Tống. Đó là vì thơ đó nhằm động viên cụ Võ Liêm Sơn, cụ Bùi Bằng Đoàn là những nhân sĩ trí thức thuộc thế hệ am hiểu thơ chữ Hán và ham thích thơ Đường, thơ Tống.
“Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng thân thi.”
Dịch:
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài.
Mục đích viết bài thơ này của Hồ Chí Minh là để động viên chính trị, động viên những người trí thức nên Bác phải viết như thế mới thích hợp.
2. Những tác phẩm đều mang theo mục đích riêng
Tính thống nhất giữa quan điểm sáng tác và thực tiễn sáng tác thể hiện trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Trong tập thơ “Nhật ký trong tù” ta thấy có nhiều bài ý tứ rất sâu sắc, khó lòng đọc vài lần mà hiểu thấu được như “Chiều Tối”, “Lai Tân”, “Giải đi sớm”, đặc biệt là bài “Cảnh chiều hôm”…
Muốn hiểu vì sao Hồ Chí Minh viết như vậy lại phải xem Người viết để làm gì ? Viết cho ai? Câu trả lời có trong những vần thơ mở đầu tập thơ “Nhật ký trong tù”.
“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do”
Vậy là Hồ Chí Minh viết cho mình. Mục đích để đỡ nóng lòng sốt ruột trong thời gian bị giam hãm giữa lúc tổ quốc, nhân dân đang ngóng đợi người từng giây, từng phút. Mục đích ấy, đối tượng ấy, nên nội dung thơ hết sức sâu sắc, phong phú độc đáo. Vì đó là tiếng nói tâm hồn Hồ Chí Minh, là tài năng độc đáo Hồ Chí Minh.