Sử dụng đồ dùng trực quan trong củng cố kiến thức đã học cho học sinh mang lại nhiều hiệu quả hơn so với việc củng cố kiến thức bằng trao đổi đàm thoại, nêu và trả lời câu hỏi đơn thuần. Việc sử dụng đồ dùng trực quan trong củng cố kiến thức gây được hứng thú học tập, giúp các em khắc sâu kiến thức.
– Đối với lược đồ – bản đồ, để củng cố kiến thức cho học sinh giáo viên có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau:
+ Dựa vào bản đồ để nêu và trả lời các câu hỏi, hướng dẫn học sinh quan sát kĩ hơn và nêu lên các điểm mới.
+ Dựa vào bản đồ để trình bày lại những kiến thức đã học một cách phong phú, cụ thể, sinh động hơn hoặc sử dụng bản đồ nhưng dưới dạng bản đồ “câm”, yêu cầu học sinh điền đầy đủ các kí hiệu rồi dựa vào đó để trình bày lại các vấn đề đã học.
Ví dụ, giáo viên sử dụng bản đồ “Chiến dịch Biên giới thu – đông 1950” treo lên bảng, yêu cầu học sinh dựa vào bản đồ để trình bày lại diễn biến của chiến dịch. Trong khi học sinh trình bày, giáo viên yêu cầu học sinh cả lớp chú ý theo dõi để nhận xét và bổ sung cho phần trình bày của bạn.
Giáo viên cũng có thể sử dụng bản đồ trên nhưng dưới dạng bản đồ “câm”, yêu cầu học sinh điền các kí hiệu lên bản đồ cho đầy đủ rồi dựa vào bản đồ để trình bày lại diễn biến chính của chiến dịch. Sau khi học sinh trình bày, giáo viên có thể nhận xét, cho điểm hoặc khen trước lớp.
Hoặc cũng có thể ra bài tập về nhà cho học sinh (sau khi dạy xong bài 18): “Vẽ bản đồ khu vực Bắc bộ, điền những kí hiệu phù hợp vào các địa danh diễn ra chiến dịch Biên giới thu – đông 1950. Qua đó rút ra ý nghĩa chiến dịch?”
– Đối với việc sử dụng tranh ảnh lịch sử để củng cố kiến thức đã học là một việc làm tương đối khó, do vậy giáo viên nên kết hợp với hệ thống câu hỏi. Qua đó giúp các em nắm vững chắc, hiểu sâu, nhớ lâu hơn những kiến thức đã học, đồng thời rèn luyện kĩ năng quan sát, miêu tả, phân tích và rút ra kết luận lịch sử cho học sinh. Ví dụ, để củng cố kiến thức của các em về Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương khi dạy bài 20, giáo viên có thể sử dụng bức ảnh “Quang cảnh Hội nghị Giơnevơ”. Giáo viên cho học sinh quan sát một lần nữa bức ảnh và học sinh dựa vào kiến thức đã học trả lời các câu hỏi của giáo viên:
+ Qua quan sát em thấy Hội nghị được tổ chức như thế nào?
+ Hội nghị Giơnevơ đang thảo luận vấn đề gì?
+ Em có nhận xét gì về Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương?
Bài tập về nhà thường được nêu vào cuối giờ học. Bài tập cần hướng vào những vấn đề quan trọng của nội dung bài học. Bài tập sẽ giúp các em hiểu rõ những vấn đề, những sự kiện cơ bản của bài học. Bài tập về nhà chỉ có hiệu quả tối đa khi giáo viên tiếp tục bồi dưỡng, củng cố kiến thức mà học sinh đã học, tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ giáo dục và phát triển cho các em.
– Giáo viên có thể sử dụng các sơ đồ, niên biểu, bảng biểu để ra bài tập về nhà, củng cố kiến thức cho học sinh.