Home / Tài liệu ôn thi / Tài liệu môn văn học / Quan niệm nghệ thuật và con người của Nhà văn Nguyễn Khải mà học sinh cần biết

Quan niệm nghệ thuật và con người của Nhà văn Nguyễn Khải mà học sinh cần biết

Văn học thời kì sau năm 1975 đặc biệt quan tâm tới con người cá nhân. Nguyễn Khải là một trong những nhà văn có nhiều nỗ lực tìm tòi, khám phá quan tâm tới con người cá nhân. Nguyễn Khải đã tìm cách lí giải sự tồn tại của con người trên nhiều chiều thời gian: thời gian quá khứ, thực tại, tương lai từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của con người. Một người Hà Nội là một tác phẩm như thế.


1. Quan niệm nghệ thuật về con người

Quan niệm nghệ thuật về con người là cốt lõi tư tưởng, là thước đo sự tiến bộ nghệ thuật của một nhà văn. Theo quan điểm của thi pháp học, quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những yếu tố cơ bản, then chốt nhất của chỉnh thể nghệ thuật. Nó góp phần chi phối sự độc đáo của tác phẩm. Do thế giới quan, lí tưởng thẩm mỹ và cá tính  sáng tạo khác nhau mà mỗi nhà văn có cách lựa chọn  thể hiện nhân vật riêng. Nếu các nhà văn trong Tự lực văn đoàn quan niệm: con người lí tưởng là con người ái tình, con người ảo vọng thì các nhà văn hiện thực quan tâm đến con người lao động của đời thường. Nếu văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 con người được nhìn nhận chủ yếu dưới góc độ sử thi thì  sau 1975 con người  trong văn học thường gắn với các quan hệ đời thường.
Chân dung nhà văn Nguyễn Khải

2. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải

Cùng trong dòng văn học sau 1975 ta vẫn nhận thấy có sự khác biệt giữa các nhà văn. Nếu truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu mang đến cho người đọc một quan niệm mới mẻ về con người và cuộc đời mà nền tảng là chiều sâu triết học và nhân bản; truyện ngắn của Ma Văn Kháng đưa ra quan niệm đạo đức về con người: con người vĩnh hằng bất biến, con người bản năng, con người của đà văng quán tính, con người hành động và lựa chọn thì truyện ngắn của Nguyễn Khải luôn tạo ra những nhân vật có bộ mặt tinh thần hoàn toàn riêng biệt, những tình huống có chiều sâu triết học và tâm lí để hướng tới cái đẹp trong đời sống của con người. -> Sao việt nơi hoc thanh nhac va hoc hat karaoke bài bản và chuyên nghiệp nhất tại Hà Nội
Nhân vât trong các truyện ngắn của Nguyễn Khải trước năm 1975 chủ yếu được soi chiếu trên bình diện giai cấp và cuộc sống tập thể. Sự khắc hoạ miêu tả nhân vật thường để làm nổi bật một khía cạnh, một vấn đề nào đó đang đặt ra trong đời sống xã hội, chính trị của đất nước. Tính vấn đề tồn tại như một yếu tố trước nhất có sức chi phối mọi suy nghĩ, quan sát của nhà văn và đặc biệt trong khi xây dựng nhân vật Nguyễn Khải thường rất tỉnh táo khi dẫn dắt nhân vật theo một đường hướng nhất định, luôn chỉ cho họ phải làm gì để phục vụ cho mục đích, tư tưởng mà tác giả đề xuất.

3. Quan niệm về con người được đặt trong nhiều chiều khác nhau

Sau năm 1975, văn học sau những bước chuyển thăng trầm mà dữ dội đang trở nên lắng đọng hơn và cũng đích thực hơn. Cùng với sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, Nguyễn Khải có một quan niệm đầy đủ hơn về con người. Con người trong sáng tác của ông được đặt trong nhiều chiều, được định vị với những giá trị có tính căn bản, bền vững, phổ quát chứ không chỉ là tiên tiến hay lạc hậu, đề cao hay phê phán một chiều. Đề cập đến cuộc đời, số phận con người trong đời thường, ngòi bút của Nguyễn Khải đã đạt tới chiều sâu nhân bản đáng trân trọng. Với cái nhìn hiện thực toàn vẹn hơn, Nguyễn Khải thực sự đã trở thành nhà văn của đời thường quan tâm nhiều đến những vấn đề có tính chất triết lí nhân sinh hơn là đưa ra những vấn đề có tính chất chính luận. Viết về con người “hôm nay”, Nguyễn Khải chú ý đến khát vọng tinh thần và những giá trị đạo đức, nhân cách bền vững trước mọi tác động của hoàn cảnh. Vì thế những nhân vật mà nhà văn tâm đắc thường có trí tuệ, có cốt cách, biết lựa chọn cho mình một lối sống, một cách sống mà họ tin là đúng.
Quan niệm con người gắn liền với thời thế, nhà văn quan tâm đến khả năng thích ứng với thời cuộc, thích ứng nhưng không phải là cơ hội vì mỗi thời con người cần có sự lựa chọn phù hợp với chuẩn thời đại, nhưng mặt khác vẫn không đánh mất mình. Với thế giới nhân vật của mình, Nguyễn Khải dần đi đến việc tìm những giá trị tương ứng với con người, với thời đại những giá trị nhân bản bền vững đó là cái thiện và những giá trị văn hoá tinh thần của đời sống. Coi con người là trung tâm của sự khám phá và nghiền ngẫm hiện thực. Nhà văn đặt vấn đề qua nhân vật, lấy nhân vật làm nơi thể hiện các quan niệm nghệ thuật và ý đồ của mình. Khác với nhân vật tính cách, là sản phẩm của sự quan sát, tuởng tượng. Nhân vật tư tưởng là sản phẩm của cảm hứng nghiên cứu. Vì thế, Nguyễn Khải ít chú ý khắc hoạ ngoại hình nhân vật, mà khi miêu tả diện mạo nhân vật nhà văn chỉ tập trung vào miêu tả những chi tiết ngoại hình tiêu biểu, gợi được nét tính cách và dự báo được số phận của nhân vật. Nhà văn ít chú ý tới việc khắc hoạ tính cách nhân vật qua hành động mà tập trung sử dụng ngôn ngữ đối thoại như một phương tiện quan trọng giúp cho nhân vật tự biểu hiện mình một cách rõ nhất. Để có thể nghiên cứu hiện thực  một cách khách quan, nhà văn đã trao cho nhân vật của mình quyền bình đẳng về tư tưởng. Ông hay đưa cái tôi cá nhân của mình hoặc của những người gần gũi với mình thành nhân vật trong tác phẩm để nói đến những vấn đề của ngày hôm nay, những vấn đề thế sự và để khai thác một cách triệt để tính cách số phận nhân vật.
Như vậy sức sống và sự lôi cuốn của kiểu nhân vật mới là một thành công của Nguyễn Khải trong nghệ thuật viết truyện ngắn sau 1975, thể hiện những chuyển biến về chất trong quan niệm  nghệ thuật về con người của nhà văn. Tuy không ở vào vị trí “người mở đường tài năng và tinh anh” như Nguyễn Minh Châu nhưng với những đóng góp của mình, Nguyễn Khải xứng đáng là một trong những nhà văn tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Đến với truyện ngắn “Một người Hà Nội” người đọc sẽ thấy được cái mới trong cách nhìn nhận đánh giá về vẻ đẹp con người trong sáng tác của Nguyễn Khải.

Comments

comments

About kythiquocgia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *