Có thể nói trong cuộc sống hiện đại, bên cạnh những mặt ưu việt cũng có những tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, trong đó có vấn đề vi phạm đạo đức học sinh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp vi phạm nặng không chỉ giới hạn ở học sinh nam mà còn lan sang cả học sinh nữ.
1. Mục đích lồng ghép giáo dục đạo đức trong giờ học
Hiện nay đâu đó vẫn còn tồn tại quan niệm mang có tính chất sai lầm cả về phía giáo viên và học sinh là dạy và học đạo đức ở trường trung học phổ thông chỉ thông qua môn Giáo dục công dân. Chúng ta biết rằng, kiến thức trong những môn học nào cũng có tính giáo dục cả, vấn đề là người dạy phải biết lồng trong mỗi bài học để định hướng cho học sinh. Nhiều giáo viên vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”, chỉ tập trung giảng kiến thức chuyên môn, không có thì giờ để uốn nắn chỉnh sửa những vi phạm của học sinh, nếu học sinh vi phạm thì lập tức phê vào sổ đầu bài mà không nhắc nhở, những bài dạy, nội dung có liên quan tới việc giáo dục đạo đức thì không linh hoạt áp dụng.
Chính vì vậy nên càng cần phải lồng ghép việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong mỗi giờ học, từ cử chỉ, tác phong, trang phục, ý thức học và làm bài, nếu bài giảng có nội dung liên quan đến đạo đức thì cần khéo léo áp dụng, đặc biệt như môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí… chứ không phải chỉ đặt nặng cho môn Giáo dục công dân. \
2. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm
Nói đến giáo dục đạo đức cho học sinh không thể không nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của giáo viên chủ nhiệm giúp cho nhà trường truyền đạt, phổ biến tới từng học sinh về công tác giáo dục đạo đức, là người thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở trực tiếp và nhiều nhất đối với từng học sinh của lớp được phân công phụ trách.
Tin tức tuyển sinh mới nhất năm 2016 các trường trung cấp y và trung cấp dược Hà Nội, liên tục xét tuyển hồ sơ đi học ngay tại Hà Đông- Hà Nội
Chính vì vậy, để giáo dục đạo đức cho học sinh tốt hơn thì càng cần phải có kế hoạch, hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết công tác này đối với từng giáo viên chủ nhiệm thậm chí cụ thể hơn đối với đặc thù từng lớp, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc kịp thời công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.
3. Kết hợp với gia đình
Thông qua việc đấu mối với địa phương, gia đình và báo cáo của các học sinh, nhà trường yêu cầu các học sinh có vi phạm lên gặp gỡ, làm bản tường trình (nếu mức độ vi phạm nặng) để làm rõ sự việc. Từ đó tùy theo mức độ vi phạm của từng cá nhân học sinh để có biện pháp giáo dục các em như: phân tích cho học sinh nhận ra lẽ phải, hiểu được những sai lầm của bản thân để sửa chữa, trường hợp học sinh vi phạm nội quy nặng thì họp Hội đồng kỷ luật xem xét mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp.
Đối với những học sinh cá biệt trong lớp giáo viên chủ nhiệm có thể mời phụ huynh đến gặp (và mời đại diện Ban giám hiệu nếu cần thiết) bất cứ thời gian nào, hoặc liên lạc qua điện thoại nếu học sinh đó không tiến bộ hoặc tiếp tục vi phạm nề nếp nhà trường.