Trong tác phẩm tự sự, nhà văn thể hiện tư tưởng, tình cảm, phát biểu quan điểm thông qua nhân vật. Nhân vật trong tác phẩm hoặc đoạn trích chứa đựng nội dung phản ánh, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi ký thác quan niệm về con người, về nhân sinh của nhà văn. Do đó, phân tích nhân vật trở thành con đường quan trọng nhất để đi đến giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm để nhận ra lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Một nhân vật văn học lớn bao giờ cũng thể hiện một số phận, một quan niệm nhân sinh độc đáo và thường điển hình cho một tầng lớp xã hội, một giai cấp, thậm chí một thời đại nào đó.
1. Xác định nhân vật trung tâm
Nhân vật trong tác phẩm tự sự rất đa dạng, phong phú. Dựa trên phương diện kết cấu và ý thức hệ có thể chia nhân vật ra thành các loại sau: Nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện…các nhân vật sẽ góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề và nội dung của tác phẩm.
Chẳng hạn, trong tác phẩm Chí Phèo có nhiều nhân vật như Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở, Bà cô Thị Nở, Lý Cường, Binh Chức, Năm Thọ, Đội Tảo…nhưng chỉ có nhân vật Chí Phèo, Bá Kiến thể hiện rõ tư tưởng của nhà văn, cho nên khi phân tích tác phẩm này cần chú ý khai thác kĩ hai nhân vật này, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo.
Trong quá trình học tập học sinh cần xác định rõ nhân vật trung tâm của bài
Hoặc trong tác phẩm Vợ chồng A phủ của Tô Hoài cũng xuất hiện nhiều nhân vật nhưng nhân vật Mị mới là hình tượng điển hình cần phân tích.
Nội tâm nhân vật được thể hiện trong nhiều thời điểm, có thể trong quá khứ, hiện tại hoặc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Trong tác phẩm Đời thừa nhân vật Hộ bộc lộ nội tâm trong những hoàn cảnh đời thường của cuộc sống mưu sinh, trong mối quan hệ với bạn văn chương, gia đình.
Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ nội tâm của Mị được bộc lộ khá rõ qua hai thời điểm đó là trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cứu A Phủ.
Như vậy, qua những tác phẩm trên chúng ta sẽ tập trung khai thác nội tâm các nhân vật Chí Phèo, Hộ và Mị để tìm hiểu toàn diện về nhân vật.
2. Những đặc điểm cần chú ý khi phân tích nhân vật
Một nhân vật văn học thành công bao giờ cũng mang một tính cách, số phận riêng, một cách trung nhất, muốn phân tích nhân vật tức là phân tích đặc điểm tính cách của nhân vật chúng ta cần căn cứ vào những chi tiết có liên quan đến nhân vật trong tác phẩm để đó từ mà tìm hiểu suy luận, tìm ra đặc điểm, tính cách của nhân vật. Ở tác phẩm tự sự, những chi tiết có giá trị góp phần thể hiện đặc điểm tính cách nhân vật, lai lịch, ngoại hình, ngôn ngữ, nội dung, hành vi cử chỉ, hành động của nhân vật
Vì thế, khi phân tích cần lưu ý đến các chi tiết miêu tả, tự sự, nhận xét về nhân vật trong tác phẩm. Những chi tiết này có lúc được bộc lộ rõ ràng nhưng thường rất tế nhị, kín đáo ẩn trong lời văn đọc qua thường ít gây chú ý.
Phát hiện và lựa chọn các chi tiết tiêu biểu, sắp xếp phân loại chúng theo trình tự hợp lí nhằm làm sáng tỏ tính cách của nhân vật.