Thơ tự do là thể thơ không qui định niêm, luật, đối… giống thơ Đường luật nên cần một sự linh hoạt uyển chuyển giọng điệu khi đọc.
1. Bài Vội Vàng
Nói rằng thơ mới là thơ tự do nhưng không có nghĩa là gặp bài thơ nào cũng đọc liên tục ào ạt mà không quan tâm đến đặc trưng của dòng thơ. Xin gợi ý một cách đọc của đoạn thơ cuối bài "Vội vàng" như sau:
Ta muốn ôm /
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn //
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn /
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu /
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều /
Và non nước / và cây và cỏ rạng /
Cho chếnh choáng mùi thơm / cho đã đầy ánh sáng /
Cho no nê thanh sắc của thời tươi /
Hỡi xuân hồng / ta muốn cắn vào ngươi.

Học sinh cần có phương pháp đọc hiểu thơ phù hợp
Bài thơ "Vội vàng" chính là minh chứng tiêu biểu cho sự chuyển đổi nhịp điệu, giọng điệu trong một bài thơ: Nhanh, dồn dập – dàn trải, suy tư – hối hả, vồ vập. Đoạn cuối, cảm xúc thi nhân được đẩy lên cao trào. Đọc đúng nhịp điệu là phần nào đã gợi ra được tâm trạng vội vàng, cuống quýt của nhà thơ. Câu cuối phải ngắt nhịp 3/5 nhấn mạnh để thấy sự mạnh mẽ, táo bạo cả trong ý tưởng và trong xúc cảm của nhà thơ.
2. Bài Đây thôn Vỹ Dạ
Bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử là một bài thơ xuất sắc trong phong trào thơ mới. Tiếng thơ đau thương phần nào cũng được thể hiện qua nhịp điệu thiết tha, khắc khoải:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ? /
Nhìn nắng hàng cau / nằng mới lên /
Vườn ai mướt quá / xanh như ngọc /
Lá trúc che ngang mặt chữ điền /
Gió theo lối gió, / mây đường mây /
Dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay /
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó /
Có chở trăng về kịp tối nay ?/
Mơ khách đường xa / khách đường xa /
Áo em trắng quá / nhìn không ra /
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh /
Ai biết tình ai / có đậm đà ?
Cõi thực và cõi mộng cứ đan cài vào nhau. Cái thực tại và ảo giác chập chờn khiến thi nhân đau đớn. Khát vọng sống, khát vọng về một tình yêu trong trắng, tinh khôi mong manh, chấp chới khi cái chết đã liền kề. Mặc cảm chia lìa để lại dấu ấn qua cách ngắt nhịp như bẻ gãy cả câu thơ: Gió theo lối gió / mây đường mây; Mơ khách đường xa, / khách đường xa.
"Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử là bài thơ chất đầy tâm trạng. Có nhiều học sinh đọc bài thơ với giọng đều đều, chỉ ngắt nhịp ở cuối mỗi câu thơ. Như thế sẽ không thấy được cảm xúc đứt nối nhưng liền mạch trong tâm trạng thi nhân. Phải đọc đúng tiết tấu thơ để sống với nhân vật trữ tình trong bài thơ. Thậm chí với bài thơ này có thể cho học sinh ngâm để cảm nhận sâu sắc hơn nội tâm nhân vật trữ tình.