Đề bài: Nhận xét về tâm trạng bà cụ Tứ trong Vợ nhặt ( Kim Lân), Hà Minh Đức có viết : “Tuy có nhiều tâm trạng khác nhau nhưng tình yêu thương con vẫn là tình cảm chủ yếu trong lòng người mẹ”.
Anh/chị suy nghĩ gì về ý kiến trên?
Bài làm.
Kim Lân – nhà văn gần gũi với người nhân dân. Tác phẩm của ông thể hiện một cái nhìn trân trọng trước hiện thực cuộc sống và những phẩm chất tốt đẹp của họ: tình thương, sự đùm bọc, che chở, những tấm lòng nhân hậu trong cảnh đời nghèo khó. Dấu ấn ấy người đọc được cảm nhận rất rõ qua nhân vật bà cụ Tứ trong thiên truyện Vợ nhặt của Kim Lân. Hà Minh Đức từng nhận xét về nhân vật này “Tuy có nhiều tâm trạng khác nhau nhưng tình yêu thương con vẫn là tình cảm chủ yếu trong lòng người mẹ.”. Vậy sau khi tiếp cận tác phẩm, nên hiểu ý kiến này như thế nào?
Khi đến với truyện ngắn Vợ nhặt, tôi nhận thấy sự thành công của tác phẩm không chỉ là giá trị hiện thực đậm đặc mà còn là chất trữ tình thấm đượm qua từng trang viết. Cái chất thơ ấy chính là tình người, là sự khát khao vươn đến hạnh phúc. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, giữa nạn đói khốn cùng, các nhân vật mà Kim Lân khắc họa vẫn luôn đùm bọc, san sẻ, vẫn chở che lẫn nhau bằng tình thương sâu sắc. Tình cảm nhân ái này được hội tun qua nhân vật người mẹ – bà cụ Tứ. Lời nhận xét của Hà Minh Đức đã khái quát nên tâm trạng của bà cụ Tứ trong cảnh ngộ oái oăm: con trai nhặt vợ. Trước hoàn cảnh ấy, tâm hồn người mẹ không tránh khỏi những cảm xúc phức tạp: ngỡ ngàng, bang hoàng, ai oán, xót xa,.. nhưng điểu mà Hà Minh Đức nhận thức được là những cảm xúc khác nhau ấy chỉ là nền cho tình yêu thương con, tình cảm ấy vẫn là tình cảm chủ yếu trong lòng người mẹ. Có thể nói, ý kiến của Hà Minh Đức đã đưa đến một cái nhìn toàn diện về nhân vật bà cụ Tứ, khơi gợi người đọc cách tiếp nhận, giải mã và suy ngẫm về nhân vật nói riêng và tác phẩm nói chung, là chiếc chìa khóa để chúng ta có thể chạm đến những thông điệp Kim Lân muốn gửi gắm.
Trong tác phẩm, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nghèo khổ. Cả cuộc đời bươn chải kiếm sống vậy mà đến cuối đời, căn nhà của bà cụ cũng chỉ là căn nhà “dúm dó, xiêu vẹo, trống không”. Cuộc sống vất vả, lam lũ hằn in trên dáng vẻ của người mẹ già nua, chậm chạp. Niềm hy vọng, chỗ dựa tinh thần của bà cụ là anh cu Tràng. Vậy mà đứa con trai độc nhất ấy lại đần độn, chậm chạp đến mức “chẳng ma nào thèm lấy”. Tình cảnh người mẹ thật đáng thương. Càng trớ trêu hơn khi anh cu Tràng dẫn về một người đàn bà về làm vợ giữa mùa đói kém, “lấy vợ trong khi chẳng ai nghĩ đến chuyện đèo bòng”. Đứng trước tình cảnh ấy, thử hỏi tâm trạng người mẹ sẽ ra sao?
Tâm trạng của bà cụ Tứ “mang nhiều tâm trạng khác nhau”. Cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong tâm hồn của người mẹ là sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên được bắt đầu khi bà chứng kiến sự vồn vã, ân cần khác thường của thằng con trai. Nghe tiếng reo “U đã về đấy”, nhìn dáng vẻ “lật đật chạy ra đón”, trước câu hỏi ân cần quan tâm “Sao hôm nay u về muộn thế làm tôi đợi nóng cả ruột” của anh cu Tràng khiến bà lão ngơ ngác, ngac nhiên. Sự ngỡ ngàng của bà cụ ẩn dấu trong ánh mắt “nhấp nhánh” khi nhìn đứa con trai, trong dáng điệu “phấp phỏng theo con bước vào nhà”. – mỗi bước đi là sự hồ nghi hồi hộp.Cảm giác ấy lớn dần, lớn dần trở thành sự sửng sốt bang hoàng khi bà nhìn thấy người phụ nữ trong nhà mình và cô lại chào mình là u. Tâm trạng này của nhân vật đã được Kim Lân khắc họa qua việc miêu tả cử chỉ, điệu bộ và hệ thống ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Trong sự bang hoàng, bà lão đứng sững lại, bà “không tin vào mắt mình nữa”, “bà cảm thấy mắt mình hình như nhoèn đi thì phải”. Thậm chí bà lão còn cố “hấp háy đôi mắt” như để trấn tĩnh, định thần lại. Nghe tiếng chào u từ cô gái, bà còn ngỡ mình nghe nhầm. Một loạt câu hỏi dồn dập trỗi dậy trong cái đầu vốn chậm chạp vì tuổi tác “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ? Sao lại chào mình bằng u?”. Tất cả những điều ấy làm người mẹ vô cùng bối rối. Điều này hiển hiện ngay trong dáng vẻ ngơ ngẩn của bà “Bà lão hết nhìn con trai rồi lại nhìn người đàn bà lòng đầy khó hiểu.” Thái độ sửng sốt, ngỡ ngàng của người mẹ là thái độ tất yếu khi bà bị đặt trong tình cảnh mà không bao giờ bà nghĩ có thể xảy ra. Đó là tâm trạng đời thường được Kim Lân khắc họa giúp tôi hình dung cụ thể tình cảnh khó xử của bà cụ Tứ lúc này.
Cái “tâm trạng khác nhau trong lòng người mẹ” còn là cảm xúc bàng hoàng khi bà nghe người con trai rành rọt giới thiệu lần thứ hai với vẻ tự hào không giấu giếm “Nhà tôi mới về làm bạn với tôi đấy u ạ. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau” thì bà mẹ hiểu ra bao nhiêu “cơ sự”, “bà cúi đầu nín lặng”. Phải chăng đây chính là giây phút bà định thần lại, trấn tĩnh lại để làm quen với hiện thực mà trước kia bà chưa dám nghĩ đến. Cũng trong giây phút “nín lặng” ấy, lòng người mẹ dâng lên bao cảm xúc ngổn ngang. Dẫu hoàn toàn bất ngờ nhưng người mẹ nghèo vẫn không hề giận dữ. Lòng người mẹ ai oán xót xa bởi “hiểu ra bao nhiêu cơ sự” : hóa ra đứa con bà vẫn âm thầm, vẫn khao khát một tổ ấm gia đình bình dị như biết bao con người khác. Vậy mà phải khi có nạn đói khốn cùng này, mơ ước giản dị ấy mới có thể thành hiện thực. Khổ thay cho số kiếp của đứa con bà! Thương con lại trách mình, lòng người mẹ ai oán cho cảnh nghèo khó của gia đình, day dứt cho bổn phận làm mẹ: “người ta dựng vợ, gả chồng cho con là lúc ăn nên làm nổi…còn mình thì…”. Sự so sánh ngầm trong tâm hồn của bà cụ dấy lên nỗi tủi hờn trong lòng người mẹ. Tất cả hiện lên đẹp vô cùng dưới ngòi bút trân trọng của Kim Lân.
Thế nhưng, Hà Minh Đức cũng nhận định “ Tình thương con là tình cảm chủ yếu trong lòng người mẹ”. Quả đúng như vậy. Từ nỗi niềm xót xa cay đắng, lòng người mẹ xiết bao lo lắng cho những đứa con. Ở ngoài kia, nạn đói đang hoành hành, bao bọc quanh căn nhà nhỏ bé “vẩn lên mùi của chết choc, mùi gây của xác người”. Đây đó vẫn vẳng lại âm thanh “tiếng hờ khóc tỉ tê” trong gia đình có người chết vọng lại. Giữa thực cảnh ấy, liệu các con bà “có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không?”. Cuộc đời bà sắp đi đến điểm cuối. Còn các con bà, trên đường đời tối tăm và mịt mù, tương lai các con bà sẽ ra sao?. Chỉ trong vài nét phác họa ban đầu, Kim Lân đã diễn tả cảm xúc trong lòng người mẹ nghèo khổ ấy “tủi cực, ai oán, lo lắng” và tất cả đều bắt nguồn từ “tình thương con tha thiết” của bà.
Nghệ thuật phân tích tâm lý của Kim Lân không dừng lại ở đó mà ông còn đi sâu khám phá những cung bậc sâu lắng trong tâm hồn người mẹ. Tình thương và lòng nhân ái sự độ lượng trong tâm hồn người mẹ nghèo khổ đã làm nên chất thơ đằm thắm, xúc động trong tác phẩm. Từ tình thương cho số phận đứa con trai, lòng bà dấy lên sự thương xót cho số phận nàng dâu mới. Khi “đăm đăm”nhìn cái bộ dạng rách rưới, đói khát của người đàn bà xa lạ, bà cụ đã hiểu căn nguyên nào khiến người phụ nữ vứt bỏ cả danh dự, nhân phẩm của mình để đi theo con trai bà về làm vợ. Vậy nên, thay vì sự coi thường hay thái độ khinh bỉ, ánh mắt “đăm đăm” của người mẹ lại là cái nhìn đầy xót thương. Từ sự thấu hiểu của con người từng trải, bà hiểu rằng “người ta có bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy con mình, mà con mình mới có vợ được”. Không ánh mắt dò xét hay lời tra hỏi, cụ Tứ mở lòng đón nhận nàng dâu mới “Ừ thôi, các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Điều đáng quý là bà cụ “mừng lòng” chứ không chỉ là “vui lòng” hay “bằng lòng”. Nghĩa là bà không chỉ chấp nhận mà còn cảm thấy vui sướng khi được đón cô về làm dâu. Chỉ với một từ nhưng đã xóa đi cảm giác ê chề, xấu hổ trong lòng cô vợ nhặt. Tấm lòng bao dung của người mẹ đã đón nhận người phụ nữ nơi đầu đường xó chợ như một đứa con ruột thịt. Bà động viên con trai, con dâu “Nhà ta nghèo con ạ, vợ chồng bảo nhau mà làm ăn may ra ông trời cho khá. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Có ra thì rồi con cháu về sau”. Trong câu nói của bà, ta thấy rõ người mẹ ý thức được cuộc đời đầy đắng cay của hai đứa con mình trước mặt. Nhưng điều đáng trân trọng là bà đã ném đi nỗi lo âu mà thắp lên niềm hy vọng vào tương lai. Bà ân cần chăm sóc nàng dâu mới “con ngồi xuống đây, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Thương con nên bà cảm thấy có lỗi “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo con ạ”. Lời nói chứa chan ân tình này đã làm vơi đi cảm giác bẽ bàng, tủi nhục của thị – một người đàn bà theo không. Tình thương con, trái tim nhân hậu của người mẹ đã mang lại cảm giác được bao bọc, che chở trong lòng người vợ nhặt giữa khung cảnh đói kém, chết choc, lạnh lẽo.
Tình thương của bà cụ Tứ đến từ trái tim của người mẹ từng trải. Nhìn hai đứa con còn ngượng ngùng, lung túng trước mặt, bà lão nghĩ đến ông lão, đến người con gái út, đến chuỗi đời cực khổ dằng dặc của mình. Bà không khỏi lo lắng cho hai đứa con “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Niềm lo lắng chẳng thể nào kìm nén khiến bà cụ “nghẹn lời” không nói được nữa, “nước mắt chảy ra ròng ròng”. Tình thương khiến bà mẹ thốt lên thành lời “chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.
Nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật của Kim Lân đã thể hiện thật nhuần nhị từng biến thái tâm trạng tinh tế, phong phú của người mẹ nghèo. Tác giả hẳn phải hiểu, phải có sự cảm thông và vốn sống cùng sự am hiểu về đời sống thôn quê mới có thể có những trang viết chân thực, cảm động đến như thế. Quả thưc “tình thương con là tình cảm chủ đạo trong tâm hồn người mẹ”.
Hạnh phúc gia đình đã làm thay đổi mỗi thành viên trong gia đình bà cụ Tứ. Kim Lân đã miêu tả thật thấm thía và cảm động những sự đổi thay của người mẹ trước hạnh phúc của hai con. Niềm vui đã phần nào xua tan đi những buồn phiền lo lắng khiến bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác thường “Cái mặt bủng beo, u ám của bà tươi tỉnh hẳn lên.”. Niềm vui khiến bà cụ già nua nhanh nhẹn khác thường “Bà lão xăm xăm thu dọn nhà cửa”. Niềm hy vọng và sự lạc quan của người mẹ bộc lộ rõ nhất qua hành động, thái độ của bà bên mâm cơm ngày đói. Bà lão “đon đả” chạy vào bếp, bưng ra nồi cháo cám. Bà cầm muôi khuấy, vừa nói vừa cười “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Ném đi nỗi tủi hờn, người mẹ nấu nồi cháo cám bởi mong cho hai đứa con mình có được bữa ăn no trong ngày đầu sum họp. Bên mâm cơm ngày đói thật “thảm hại”, bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Bà bàn tính với con chuyện tương lai “Tràng ạ, tao tính ngày mai ra chợ mua đôi gà. Chả mấy có cả đàn gà cho xem.” Trong lời nói của người mẹ, từ một đôi gà thoắt đã có cả một đàn gà đầy sân. Ánh sáng của hạnh phúc đã tiếp them cho bà nguồn sống mới. Giờ đây, người mẹ muốn ném đi nỗi lo âu để truyền đến tâm hồn hai đứa con nghị lực sống vượt lên khỏi hoàn cảnh đau thương của hiện tại. Tấm lòng người mẹ bao dung, độ lượng biết bao!
“Tuy có nhiều tâm trạng khác nhau nhưng tình yêu thương con vẫn là tình cảm chủ yếu trong lòng người mẹ” – một lời nhận xét ngắn gọn, Hà Minh Đức đã khái quát được diễn biến tâm trạng và nỗi lòng của người mẹ nghèo. Có thể nói, tâm trạng của bà cụ Tứ là nỗi lòng của một bà mẹ rất mực thương con. Bà là hiện thân của lòng nhân ái, của tình cảm vị tha, của lòng bao dung độ lượng. Tình cảnh của bà cụ Tứ đã phản ánh truyền thống đạo lý của người Việt “thương người như thể thương thân”. Như vậy, ý kiến của Hà Minh Đức đã hé mở cho người đọc hướng tiếp cận và khai thác vẻ đẹp nhân vật bà cụ Tứ – nhân vật để lại những rung cảm lắng sâu nơi người đọc.