(Văn mẫu) – Anh (Chị) hãy Phân tích đoạn trích Trao Duyên trong Truyện Kiều – Nguyễn Du. (Bài làm văn được 9 điểm của học sinh trường Nhân Quyền).
Đề bài: Phân tích đoạn trích “Trao Duyên” trong Truyện Kiều – Nguyễn Du
Bài làm
Truyện Kiều là tác phẩm thành công nhất của đại văn hào Nguyễn Du cũng như của cả nền Văn học Việt Nam. Toàn bộ tác phẩm khắc họa cuộc đời của Thúy Kiều – người con gái có số phận hồng nhan bạc mệnh dưới chế độ phong kiến hà khắc. Cuộc đời Thúy Kiều là cả một chuỗi những éo le và ngang trái. Một người con gái tài sắc vẹn toàn đáng ra phải được hạnh phúc thì lại chịu nhiều nỗi đắng cay. Điều đó thể hiện rõ nhất qua đoạn trích “Trao Duyên” khi mà Thúy Kiều phải gửi gắm hạnh phúc riêng tư của mình cho em gái Thúy Vân.
Thúy Kiều đã phải trao đi tình yêu sâu nặng với Kin Trọng vì phải làm tròn chữ Hiếu.
Ngay khi mở đầu đoạn trích Nguyễn Du đã khắc họa tâm trạng đau đớn của Thúy Kiều khi phải mở lời nhờ cậy Thúy Vân.
Cậy em em có chịu lời.
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Chỉ với hai câu thơ thôi mà chứa đựng biết bao sự dằn vặt chua xót. Người chị đáng ra phải đứng ở vị thế cao hơn người em có thể sai khiến được mà phải dùng từ “cậy” rồi “ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Điều này là đi ngược lại với luân thường đạo lý với truyền thống gia đình từ xưa đến nay. Nhưng Thúy Kiều biết trong hoàn cảnh này thì nàng phải làm những việc nghịch lý như vậy. Vì hơn ai hết nàng hiểu rằng chuyện mình sắp nói ra đây nó khó khăn như thế nào.
Những câu thơ tiếp theo nàng bắt đầu giãi bày nỗi lòng của mình, từng câu từng chữ như dao xé lòng người.
Giữa đường dứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Lúc này người đọc mới vỡ lẽ không phải tự nhiên mà Thúy Kiều lại làm những việc ngược đời như trên. Chỉ có bước vào hoàn cảnh của nàng mới hiểu hết được nỗi đau đớn mà nàng phải trải qua. Thúy Kiều đã vì chữ hiếu mà quên đi tình riêng của bản thân. “Giữa đường đứt gánh tương tư” – câu thơ thể hiện sự giằng xé trong tâm can của nàng Kiều. Đang trong những ngày tháng yêu thương mặn nồng mà vì chữ Hiếu nàng phải phụ chàng Kim. Nhưng vì không muốn Kim Trọng đau lòng, nàng mong Thúy Vân có thể nối lai mối duyên này giúp mình. Mặc dù trao duyên cho em nhưng những kỷ niệm, những lời hẹn ước cứ ùa về như xát muối vào trong tim người con gái bé nhỏ ấy.
Khi cậy nhờ em gái Thúy Kiều cũng không quên giải thích cho em lý do tại sao mình lại làm việc này. Dùng nhiều lý lẽ cũng như tình thân khiến cho Thúy Vân không thể nào từ chối được.
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương tan
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Thúy Kiều và Thúy Vân hai chị em đều đang “đến tuổi cập kề’ nhưng nàng lại nhắn nhủ với em là “ngày xuân em còn dài”. Nên em có thể gánh tiếp mối tơ duyên với chàng Kim, với người mà Kiều yêu thương. Sự chua xót đến đau lòng khi Kiều nhắc đến cái chết, một điềm báo chẳng lành hay là một cuộc đời mà nàng sắp phải mang. Nếu Thúy Vân có thể giúp đỡ thì dù mai này có chết Kiều vẫn an lòng “ngậm cười chín suối”. Qua đây chúng ta thấy được tấm lòng, sự lương thiện, sống và yêu hết lòng mình.
Việc Thúy Kiều “trao” đi mối duyên mà bản thân nâng niu, trân trọng là điều rất đau đớn tột cùng mà nàng phải gánh chịu. Nhưng con đường này Kiều đã chọn nên phải đi, vì không còn lựa chọn nào khác nữa. Lúc này nàng chỉ mong em gái có thể giữ lấy mối duyên mà cô phải buông bỏ, để không phụ tấm lòng của Kim Trọng.
Và dường như khi nghĩ đến cái chết càng thể hiện được sự đắng cay chua xót trong những lời nói của Kiều:
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đèn nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Sống trong một xã hội nhiều bất công, những lúc đáng lẽ ra con người ta phải được hạnh phúc trọn vẹn thì lại phải lựa chọn con đường đi nhiều nước mắt. Có lẽ cái chết sẽ không phải là kết thúc đối với Kiều, vì nàng còn mang nặng món nợ lớn với đời, với Kim Trọng. Thúy Kiều chỉ có thể mang sự bất lực với tình yêu của mình gửi gắm cho Thúy Vân và mong Kim Trọng có thể hiểu được.
Đoạn trích “Trao duyên” tuy không quá dài nhưng đã thực sự khiến người đọc không kìm được cảm xúc khi nghĩ đến thân phận và nỗi đau xót xa mà Kiều phải gánh chịu. Xã hội phong kiến bất công, lòng người bạc bẽo đã đẩy những phận người thấp cổ bé họng vào con đường không lối. Thúy Kiều và mối tình đứt gánh giữa đường chính là minh chứng hùng hồn cho điều đó.