Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bài do học sinh giỏi được điểm 8)
Bài làm:
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Văn học Trung Đại Việt Nam. Ông là một bậc ẩn sĩ thanh cao, luôn vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi để vươn đến một lối sống vui thú với lao động, hòa hợp với thiên nhiên. Bài thơ “Nhàn” đã thể hiện rõ ràng triết lý nhân sinh quan của nhà thơ.
Mở đầu bài thơ là hai câu thơ đề từ rất mộc mạc như chính con người của tác giả:
Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Với phép lăp từ "một"-"một" đã vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị nơi quê nghèo. Nhưng dù một mình nhưng tác giả không hề đơn độc. Hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ. Hình ảnh nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên là một lão nông an nhàn đang vui thú điền viên là câu cá và làm vườn. Có thể nói đây là cuộc sống đáng mơ ước của rất nhiều người ở thời kỳ phòng kiến ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể dứt bỏ được chốn quan trường về với đồng quê như thế này.
Hình ảnh lão nông chi điền giản dị.
Đến hai câu thơ thực tiếp theo, tác giả càng khắc họa rõ nét hơn chân dung của "lão nông chi điền” Nguyễn Bỉnh Khiêm".
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Hai câu thơ có thể được xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ông tự nhận mình là kẻ "dại" chỉ thích tìm nơi vắng vẻ đến sống. Tác giả đã rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, lột tả được hết phong thái ung dụng tự tại của ông. Với những người chọn chốn quan trường là những người "khôn". Một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, chê mà cũng có thể là khen mình.
Hai câu thơ luận tiếp theo đã gợi mở cho người đọc về cuộc sống bình dị, giản đơn và thanh cao hàng ngày của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Chỉ trong hai câu thơ ngắn gọn đã có thể miêu tả tất cả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của "lão nông nghèo". Mùa nào thức ăn đấy tuy không có sơn hào hải vị để ăn nhưng đều là những đặc sản mang hương vị quê nhà. Mùa thu có măng trúc ở trên rừng, mùa đông ăn giá. Đặc biệt sang câu thơ "Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao" đã phác họa vài đường nét nhẹ nhàng, đơn giản nhưng toát lên sự thanh tao không ai sánh được. Một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên tâm giao hòa hợp nhau.
Đến hai câu thơ cuối dường như tác giả đã đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của mình:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Đây là sự đúc rút triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời gian ở ẩn. Đối với một con người tài hoa và có trí lớn như thế này thì thực sự phú quý không hề là giấc chiêm bao. Với con người thanh tao và ưa sống an nhàn thì phú quý cũng chỉ như hư vô mà thôi. Cách so sánh độc đáo này đã mang đến cho bài thơ một tứ thơ hoàn hảo nhất.
Bài thơ "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục cốt cách, tinh thần và phong thái của ông. Là một người yêu nước và coi nhẹ phú quý danh vọng thì ông là một tấm gương đáng học hỏi. Với kết cấu đường luật kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa đã làm toát lên tâm hồn và cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm.