Đất nước ta có một kho tàng ca dao, tục ngữ rất đa dạng và phong phú. Thông qua những bài ca dao người nông dân Việt nam đã thể hiện quan điểm sống, tình cảm của bản thân. Một trong những đề tài muôn thủa được thể hiện nhiều trong ca dao đó là về tình yêu đôi lứa, với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong số đó phải kể đến bài ca dao “ Khăn thương nhớ ai” với những hình ảnh mang tính chất biểu trưng vô cùng đẹp cho tình yêu thiêng liêng của người con gái.
Mượn hình ảnh chiếc khăn tay cô gái trong bài ca dao đã gửi nỗi nhớ của mình.
Bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” nằm trong hệ thống những bài ca dao về tình yêu bộc lộ cảm xúc thương nhớ của người con gái đối với người yêu của mình. Nỗi nhớ mong cồn cào, da diết đó được gửi gắm vào trong hình ảnh chiếc khăn. Một vật được xem là vô tri vô giác mà lúc được thổi tình cảm vào cũng trở nên sống động.
Khăn thương nhớ ai?
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai?
Khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai?
Khăn chùi nước mắt.
Để diễn tả nỗi nhớ thương của mình cô gái đặt ra hàng loạt câu hỏi với chiếc khăn. Khăn thương nhớ ai? Mà rơi xuống đất, mà vắt lên vai, mà chùi nước mắt. Có thể thấy qua những hình ảnh này là tâm trạng bồn chồn của cô gái khi nhớ người yêu. Cầm khăn trên tay hết đánh rơi xuống đất rồi nhặt vắt lên vai cuối cùng không nén nổi nỗi nhớ bèn trào nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ khóng yên.
Hình ảnh cô gái nhớ người yêu da diết.
Hết hỏi chiếc khăn cô gái lại hỏi đến ngọn đèn. Hình ảnh ngọn đèn không tắt chính là biểu trưng cho nỗi nhớ thương của cô gái đang cháy rực trong lòng, Người con gái ấy trằn trọc trong đêm thương nhớ dài đằng đẵng đến nỗi “mắt ngủ không yên”. Chỉ thông qua những hình ảnh ví von chân thực mà đã lột tả được nỗi nhớ nhung khắc khoảng trong lòng cô gái. Tưởng chừng như nỗi nhớ của cô gái dường như được nén lai và vừa như được kéo dài ra đến mênh mông vô tận theo cả hai chiều thời gian và không gian.
Đêm qua em những lo phiền.
Lo vì một nỗi không yên một bề…
Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, bài ca dao chuyển sang nhịp thơ lục bát nhẹ nhàng như muốn giãi bày nỗi niềm lo âu của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “lo” được lặp lại đến hai lần. Như lời nhắc nhở thầm kín về nỗi “không yên một bề” . Người phụ nữ trong chế độ phong kiến thời xưa thường bị bó buộc vào tư tưởng trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Do đó, họ không có quyền được lựa chọn hạnh phúc cho mình nên dẫn đến việc lo lắng không yên.
Bài ca dao với những hình ảnh bình dị thân thuộc đã giúp cô gái gửi gắm nỗi niềm của mình đối với người thương. Trong nỗi nhớ đó có sự da diết cháy bỏng nhưng cũng phảng phất nỗi buồn thân phận của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh chiếc khăn, chiếc đèn được nhân hóa một cách thành công cùng với lối gieo vần, nhả chữ linh hoạt đã giúp truyền tải được nỗi lòng của người con gái đến với người yêu.