Tác phẩm thơ tự do được lựa chọn giảng dạy trong chương trình phổ thông đều là những tác phẩm văn học xuất sắc của từng thời kì văn học, đồng thời thể hiện những cá tính sáng tạo độc đáo của mỗi nhà thơ. Do vậy những tác phẩm thơ tự do đều trở thành những đối tượng luôn khơi gợi hứng thú khám phá, chiếm lĩnh đối với giáo viên ngữ văn – những bạn đọc trung thành và đam mê văn chương. Tuy nhiên để truyền cho học sinh niềm đam mê và sự hiểu biết của mình về những sáng tác thơ tự do thì không chỉ có cảm hứng mà con cần phải có những phương pháp tối ưu, chính vì vậy nên những phương pháp phân tích thơ tự do dưới đây có thể giúp cho học sinh càng nắm bắt được thể loại văn học này một cách tốt nhất
1. Khám phá kết cấu của tác phẩm
Kết cấu tác phẩm thơ tự do được hình thành dựa sự chi phối của mạch cảm xúc và ý tưởng sáng tạo của tác giả. Mỗi bài thơ có một kiểu kết cấu độc đáo, không lặp lại. Để nhận ra kết cấu trong thơ tự do, không thể căn cứ vào sự liên kết bề mặt mà phải nhìn thấy mối liên hệ bên trong. Đôi khi kết cấu bề mặt là sự đứt nối, rời rạc nhưng thực ra nó được kết nối một cách chặt chẽ bởi dòng cảm xúc bên trong, bởi mạch tâm trạng mà nếu không nhập vào nó, người đọc sẽ không thể nhận ra và cảm thấu. Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo là những ví dụ tiêu biểu.

Học sinh cần có phương pháp học thơ tự do thích hợp
Việc nhận ra kết cấu tác phẩm thơ tự do có thể thực hiện ngay ở khâu đọc tác phẩm. Bởi đây chính là lúc mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh có một cái nhìn bao quát về chỉnh thể tác phẩm, hình thành những định hướng ban đầu cho việc phân tích tác phẩm. Vì vậy khi tổ chức hoạt động đọc cho học sinh, giáo viên cần hướng học sinh vào việc tìm hiều giọng điệu, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ có thể nhận ra kết cấu tác phẩm thơ tự do.
2. Tìm hiểu sự sáng tạo của ngôn từ
Sau bước khái quát hóa về kết cấu tác phẩm, tìm hiểu sự sáng tạo của ngôn từ chính là bước phân tích chi tiết tác phẩm. Ngôn ngữ thơ tự do là ngôn ngữ có khả năng sáng tạo về nhiều mặt. Nó mở rộng câu thơ, đi vào chiều sâu của bài thơ bằng kết cấu mới, cú pháp mới, từ ngữ mới, nhịp điệu mới…Do vậy việc phân tích ngôn ngữ thơ tự do đòi hỏi một sự linh hoạt, nhạy cảm ở người học để nhận ra những sắc thái biểu hiện độc đáo của nó. Các em phải biết lắng nghe sau lớp vỏ ngôn từ những chiều sâu của cảm xúc và âm vang của cuộc sống mà nó biểu hiện.
3. Khái quát tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm
Khái quát tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm phải dựa trên những kết quả đạt được của các bước trên. Trong thơ tự do, mỗi câu thơ là một kết cấu mở, “kết cấu lỏng” để mở ra những chiều sâu của sự suy tưởng. Việc hướng đến khái quát về tư tưởng nghệ thuật là khâu cuối cùng để nhận ra một thông điệp, một cách nhìn, một tâm hồn của nhà thơ biểu hiện trong tác phẩm.