Văn nghị luận được xem là một dạng văn tương đối khó, đặc biệt là nghị luận về tư tưởng đạo lý, vì dạng văn này có nghĩa bao hàm vô cùng rộng, chính vì vậy nên cần có cách làm và hướng đi phù hợp cho học sinh
1. Khung bài làm chung
– Luận điểm 1: Giải thích tư tưởng đạo lí cần bàn luận.
Làm rõ vấn đề được dẫn trong đề. Nếu vấn đề thể hiện dưới dạng trích dẫn một câu tục ngữ, một câu danh ngôn hay một nhận định, người viết cần lần lượt giải thích, làm rõ nghĩa của vấn đề theo cách đi từ khái niệm, ý nghĩa của các từ ngữ, hình ảnh đến các vế câu và cuối cùng là toàn bộ ý tưởng được trích dẫn. Khi vấn đề được diễn đạt theo kiểu ẩn dụ, bóng bẩy thì phải giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ.
+ Luận cứ: Nghĩa đen (nghĩa tường minh)
Nghĩa bóng (nghĩa hàm ẩn)
Nghĩa cả câu

Học sinh cần nắm chắc khung bài trước khi làm
– Luận điểm 2: Bàn luận về tư tưởng đạo lí được đề cập đến trong đề bài.
+ Luận cứ 1: Các biểu hiện của vấn đề trong thực tế đời sống.
+ Luận cứ 2: Ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đối với đời sống xã hội: Mặt tích cực, tiêu cực, đúng hay chưa đúng của tư tưởng đạo lí, khẳng định mặt đúng, tích cực, bác bỏ những biểu hiện sai lệch.
+ Luận cứ 3: Bàn luận mở rộng, nâng cao vấn đề: Đưa ra phản đề làm đối sánh nhằm khẳng định luận đề, mở rộng nâng cao vấn đề lên mức độ khái quát thành quan niệm sống, triết lí sống.
– Luận điểm 3: Bài học sâu sắc cho bản thân:
+ Luận cứ 1: Bài học về nhận thức
+ Luận cứ 2: Bài học về hành động.
Yêu cầu với các bước tiến hành một bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí là: giải thích vấn đề thật rõ ràng, nêu biểu hiện của vấn đề thật cụ thể, bàn luận thật sâu và rút ra bài học thật thấm thía, sâu sắc.
Ví dụ1: Có ý kiến cho rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng luôn phảng phất hương thơm”.
Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
– Luận điểm 1: Giải thích ý kiến:
+ Luận cứ 1: Ý kiến trên chứa đựng một hàm ý sâu sắc ẩn dưới những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng. “Bàn tay” là hình ảnh hoán dụ để chỉ “người tặng hoa hồng” tức là người có lòng nhân ái, vị tha, luôn biết đồng cảm, sẻ chia, biết sống vì người khác. “Tặng” là thái độ, là hành động tự nguyện, vui vẻ, chân thành trao cho người khác một thứ gì đó của mình. “Hoa hồng” là hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp của tình yêu thương chân thành, của lòng nhân ái, của tất cả những gì trong sáng, cao đẹp. Còn hình ảnh “phảng phất hương thơm” là niềm hạnh phúc của người biết trao tặng.
+ Luận cứ 2: Như vậy, ý nghĩa của cả câu nói trên là: Biết đồng cảm, sẻ chia, biết trao tặng tình yêu thương chân thành, biết sống vì người khác thì sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một cách để chúng ta làm đẹp tâm hồn mình và góp phần làm đẹp cho cuộc sống.
– Luận điểm 2: Bàn luận về vấn đề:
+ Luận cứ 1: Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu đi sự ấm áp của những tấm lòng? Mỗi con người sẽ như thế nào nếu tâm hồn ngày càng cằn cỗi? Nếu không biết tự làm giàu cho tâm hồn mình thì con người sẽ chẳng khác gì những cỗ máy. Sự thơm thảo của những tấm lòng biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia chính là biểu hiện sinh động nhất, đẹp đẽ nhất, ấm áp nhất của tâm hồn con người và cũng là của cuộc sống.
+ Luận cứ 2: Xung quanh chúng ta hàng ngày, hàng giờ có biết bao nhiêu hành động, việc làm của các cá nhân, tập thể luôn sẵn sàng cưu mang, đùm bọc, sẻ chia với người khác. Cái mà họ cho đi không phải lúc nào cũng mang giá trị vật chất mà trước hết là ý nghĩa tinh thần. Nó là biểu hiện của đạo lí sống cao đẹp, của truyền thống nhân ái có từ xa xưa của dân tộc ta.
+Luận cứ 3: Bên cạnh những người sẵn lòng trao cho người khác tất cả những gì tốt đẹp mình có thì vẫn còn không ít những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình, ích kỉ, hẹp hòi, bon chen, vụ lợi, không dám rớt cho ai thứ gì hoặc chỉ biết nhận mà không có trao. Nếu bất đắc dĩ phải trao thì miễn cưỡng hoặc vì mục đích vụ lợi nào đó… Tất cả các cách sống trên sẽ không bao giờ có được niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực của người được cho, không bao giờ cảm nhận được vẻ đẹp của những tấm lòng và tất yếu sẽ không thể thấy được giá trị đích thực của cuộc sống từ sự vị tha.

Cần triển khai hiệu quả các luận cứ
+ Luận cứ 4: Yêu thương người khác bằng cả trái tim thì sẽ được đáp lại bằng tình cảm chân thành. Biết cho đi cũng sẽ được nhận lại. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những người có cách sống đẹp.
+ Luận cứ 5: Được ban tặng là niềm hạnh phúc nhưng biết ban tặng cho người khác còn hạnh phúc hơn. Điều quan trọng không phải là tặng cái gì mà là tặng như thế nào. Món quà được trao gửi, ban tặng sẽ có ý nghĩa hơn gấp bội khi nó được trao đi từ những “tấm lòng”.
– Luận điểm 3: Bài học nhận thức và hành động:
+ Luận cứ 1: Hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của ý kiến trên, liên hệ với bản thân, nhìn nhận đánh giá lại chính mình.
+ Luận cứ 2: Cần tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn để sống đẹp hơn, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh. Biết đồng cảm, sẻ chia để làm giàu cho tâm hồn mình và góp phần làm đẹp cho cuộc sống.
Ví dụ 2: Suy nghĩ của anh chị về câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
– Luận điểm 1: Giải thích câu nói:
+ Luận cứ 1: Nghĩa tường minh: Trước đây, giao thông chưa thuận tiện, muốn đến nơi nào đó phải trèo đèo lội suối rất vất vả. Những cuộc hành trình dài thường khiến người ta mệt mỏi, sợ hãi, không dám đến đích cần tới.
+ Luận cứ 2: Nghĩa hàm ẩn: Đường đi còn có nghĩa là đường đời, cuộc sống con người; Sông, núi là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn thử thách.
+ Luận cứ 3: Ý cả câu: Mọi khó khăn thử thách đều có thể vượt qua nếu con người có ý chí và nghị lực.
– Luận điểm 2: Bàn luận về vấn đề.
+ Luận cứ 1: Cuộc sống luôn chứa đựng muôn vàn khó khăn, trắc trở. Vượt qua những khó khăn trắc trở đó, con người sẽ thành công.
Dẫn chứng: Mạc Đĩnh Chi phải học dưới ánh đèn đom đóm mà đỗ đạt thành công.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí viết bằng đôi chân mà trưởng thành.
Stephen Hawking chỉ đi lại bằng xe lăn vì bại liệt nhưng đã trở thành nhà vật lý học kiệt xuất, là người đầu tiên nêu lên khái niệm “hố đen vũ trụ” có ý nghĩa lớn đối với nhân loại.
Nick Vujicick, chàng trai khuyết tật bẩm sinh, không có cả tay và chân nhưng anh không hề nản chí, với sự nỗ lực vượt bậc, anh đã vượt lên số phận, vượt lên chính mình để trở thành một diễn viên xuất sắc, một nhà diến thuyết nổi tiếng, anh đã truyền lửa sống cho biết bao người đặc biệt là thế hệ thanh niên.
+ Luận cứ 2: Những khó khăn thử thách là cơ hội để thử sức, rèn luyện bản thân mình, là cơ hội để nhận diện năng lực mình, và là cơ hội để có những bài học.
Dẫn chứng: Nhà diễn thuyết nổi tiếng thời cổ đại Hi Lạp Demosthenes thưở nhỏ bị nói lắp. Khi đứng trên sân khấu diễn giảng, giọng nói ông không rõ ràng, phát âm không chuẩn, vẫn thường bị mọi người chế nhạo. Nhưng ông không hề chán nản. Để khắc phục khó khăn này, ngày ngày ông đều ngậm một viên đá trong miệng, rồi đứng trước biển tập đọc. Sau một thời gian kiên trì tập luyện, ông đã chứng minh được năng lực của mình, và trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất Hi Lạp.
Nhà bác học Marie Curie đã từng bị bệnh ung thư máu, nhưng bà đã không chịu cúi đầu bỏ cuộc, không cam tâm để mình trở thành người vô dụng, và cuối cùng bà đã hai lần được nhận giải thưởng Nobel (về vật lí và hóa học).
Từ hai luận cứ trên, khẳng định câu nói của Nguyễn Bá Học là hoàn toàn đúng. Nếu con người kiên trì nghị lực thì “không có việc gì khó” cả.
– Luận cứ 3: Phê phán một bộ phận trong xã hội thiếu ý chí nghị lực trong cuộc sống. Gặp chuyện khó khăn là chán nản, sinh ra bi quan, hoặc sa vào con đường tội lỗi.
– Luận điểm 3: Rút ra bài học trong cuộc sống:
+ Luận cứ 1: Con người cần ý thức được vai trò, tầm quan trọng của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.
+ Luận cứ 2: Liên tưởng bài thơ của Bác Hồ: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên.” Mỗi con người cần mài sắc ý chí, nghị lực trên mọi bước đường, mọi hành trình.