Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật…). Hơn nữa đó là các tác phẩm nghị luận trung đại, mỗi tác phẩm thuộc về một thể riêng.Vì thế muốn lĩnh hội được trọn vẹn tác phẩm, học sinh không phải chỉ tìm hiểu, khai thác những yếu tố bên trong tác phẩm, mà còn phải nắm bắt, hiểu được những yếu tố bên ngoài liên quan trực tiếp đến tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm như : thể loại sáng tác, lịch sử thời đại, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử tác giả….
1. Về thể loại sáng tác.
– Thể loại giữ vai trò quan trọng trong văn học. Nhà nghiên cứu văn học, nhà bác học Nga M.Bakhtin đã từng khẳng định: “Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy cái vận mệnh to lớn và cơ bản của văn và ngôn ngữ, mà nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu , trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì hoặc hạng ba”. Thể loại là “nhân vật chính”, nhân vật số một của tiến trình văn học, điều này càng đúng với văn học trung đại Việt Nam.
Vị trí của thể loại trong văn học Trung đại quan trọng tới mức nhiều khi tên tác phẩm gắn liền với tên thể loại: Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo,…Việc xác định thể loại là định hướng tốt cho tiếp cận các tác phẩm trong chương trình nói chung, và các tác phẩm nghị luận trung đại lớp 10 nói riêng.Vì thế trước khi tiếp cận bên trong tác phẩm, giáo viên cần cho học sinh nắm được những kiến thức khái lược nhất về thể loại sáng tác.
– Với vấn đề này,giáo viên có thể dành một khoảng thời gian nhất định trong phần tiểu dẫn để giới thiệu khái quát đại cương cho học sinh hiểu.Đặc biệt là với các thể nghị luận trung đại- tính trừu tượng, khái quát cao- giáo viên phải cung cấp thêm những kiến thức xoay quanh thể loại như: khái niệm, mục đích chức năng, kết cấu, cách thức lập luận…thậm chí có dẫn chứng minh hoạ.Để từ đó, Học sinh có định hướng rõ ràng khi tiếp cận văn bản.

Khi tìm hiểu văn nghị luận cần nhớ một số khái niệm căn bản
* Ví dụ: Khi dạy văn bản “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi, trong phần tiểu dẫn, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về thể cáo: mục đích chức năng, kết cấu, cách thức lập luận…Từ đó có thể đạt các chuẩn kiến thức như gợi ý sau:
– Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết.
Trong thể cáo, có loại văn cáo thường ngày như chiếu, sách của vua truyền xuống về một vấn đề nào đó, có loại văn đại cáo mang ý nghĩa một sự kiện trọng đại, có tính chất quốc gia.
Nếu mục đích chức năng của hịch là cổ động, thuyết phục, kêu gọi đấu tranh hoặc hiểu dụ, răn dạy thì mục đích của cáo là tuyên ngôn hoăc tổng kết một vấn đề, một sự kiện. Cáo được viết sau khi sự kiện xảy ra.
– Cũng như hịch, cáo là thề văn nghị luận mang tính hùng biện, do đó kết cấu phải chặt chẽ, lí luận phải sắc bén lời lẽ phải đanh thép, trang trọng, hào hùng.
Về kết cấu, nhìn chung bài cáo thường gồm bốn phần :
+ Phần mở đầu: nêu luận đề chính nghĩa.
+ Phần thứ hai: lên án, tố cáo tội ác của lực lượng phi nghĩa.
+ Phần thứ ba: thuật lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của lực lượng chính nghĩa với cảm hứng ngợi ca.
+ Phần thứ tư: tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa
– Về lập luận, để tăng sức thuyết phục, khẳng định, bài cáo thường có sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa tư duy logic và tư duy hình tượng.
– Về lời văn, thể cáo vốn ban đầu được viết theo văn xuôi cổ, nhiêng về luận thuyết hơn là tự sự. Dần dần về sau, có khi thể cáo dùng đan xen tản văn với biền văn. Nhưng nhiều hơn cả thể cáo được viết bằng văn biền ngẫu, không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau. Tiến thêm mỗi bước, cáo được viết theo thể tứ lục- một kiểu văn biền ngẫu, gồm hai câu sóng đôi, mỗi câu mười chữ, được chia thành hai vế: vế trước bốn chữ, vế sau sáu chữ( “ đau lòng nhức óc/ chốc đà mười mấynăm trời- Nếm mật nằm gai/ há phải một hai sớm tối”)
– Trong văn cáo có sự kết hợp giữa lời văn tự sự và lời văn trữ tình. Lời văn tự sự để kể, thuật, tả, tái hiện lại quá trình chinh phạt thắng lợi của lực lượng chính nghĩa. Lời văn trữ tình để bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, thái độ của chủ thể bài cáo. Tuy nhiên, ngôn ngữ trần thuật của cáo thấm đượm cảm xúc.Vì vậy ngôn ngữ chủ yếu của thể cáo là ngôn ngữ chính luận- trữ tình. Ads: Thông tin tuyển sinh cao đẳng dược hà nội, cao đẳng điều dưỡng vàtrung cấp y hà nội năm 2016
Sự trang trọng, tính chất thậm xưng, cách điệu, giàu chất biểu tượng là những đặc điểm nổi bật của lời văn ở thể cáo. Điều này cho thấy, lời văn chịu sự qui định, vừa phát huy cao nhất mục đích, chức năng của thể cáo là tuyên ngôn và tổng kết.
2. Bối cảnh sáng tác.
Bất kì một phát ngôn, một văn bản nào cũng đều được sản sinh ra trong một bối cảnh nhất định và chỉ được lĩnh hội đầy đủ, chính xác trong bối cảnh của nó.Đó có thể là bối cảnh giao tiếp rộng ( là toàn bộ những nhân tố xã hội, địa lí, chính trị, kinh tế,văn hoá, phong tục, tập quán… của cộng đồng ngôn ngữ); đó có thể là bối cảnh giao tiếp hẹp ( là nơi chốn, thời gian phát sinh câu nói, văn bản…).
Với tư cách là một tác phẩm văn học, văn bản nghị luận cũng chịu sự chi phối của điều kiện lịch sử xã hội. Những vấn đề phức tạp của lịch sử xuất hiện thường tác động lớn đến đời sống, số phận con người. Tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng để người nghệ sĩ phản ánh, một mặt ghi lại những biến đổi của thời cuộc, mặt khác, bày tỏ chính kiến, quan niệm và cách nhìn nhận, đánh giá của mình. Vì vậy, tác phẩm bao giờ cũng truyền đến người đọc một tư tưởng, một thái độ, thậm chí có tác dụng liên kết xã hội bằng những hành động cụ thể. Phân tích các văn bản nghị luận nhất thiết phải tìm hiểu lịch sử xuất hiện của chúng mới hiểu rõ và lí giải chính xác: Tác phẩm phản ánh vấn đề gì? Phản ánh để làm gì? Phản ánh như thế nào? Tác phẩm có ý nghĩa ra sao với đương thời và hiện nay? Bài học rút ra từ sự phản ánh đó?.v.v…
Như vậy việc xem xét hoàn cảnh sáng tác là việc làm cần thiết để hiểu tư tưởng, nội dung văn bản, thông điệp mà người sáng tác muốn gửi gắm vào tác phẩm. Hoàn cảnh sáng tác có thể được xem xét từ hai góc độ:
+ Hoàn cảnh rộng: Bối cảnh lịch sử, thời đại mà tác giả sáng tác.
+ Hoàn cảnh hẹp: hoàn cảnh cụ thể ra đời tác phẩm ( thời gian, địa điểm, tâm thế sáng tác…).
3. Tìm hiểu những nét lớn về tiểu sử tác giả.
– Cuộc đời, sự nghiệp của tác giả chi phối nhiều đến qúa trình sáng tác tác phẩm.Việc tìm hiểu tiểu sử tác giả sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn tác phẩm. Đặc biệt với những văn bản nghị luận trung đại thì tác giả là những trí thức phong kiến, họ có những vị trí nhất định trong xã hội, có những vai trò, tư cách khác nhau khi sáng tác.Vì vậy khi tìm hiểu ta chỉ cần tìm hiểu những yếu tố cơ bản về tiểu sử tác giả đã chi phối ảnh hưởng đến tác phẩm, để từ đó tiếp cận, hiểu sâu hơn tinh thần văn bản.