Trong chương trình giảng dạy văn học ở bậc THPT, thơ tự do chiếm một vị trí quan trọng. Những sáng tác thơ của văn học Việt Nam hiện đại ở thế kỉ XX trong chương trình Ngữ văn THPT hầu hết là các tác phẩm thơ tự do. Hơn thế đó đều là những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu của từng thời kì văn học. Quá trình hình thành, phát triển của thơ tự do là một trong những biểu hiện của sự vận động, phát triển của nền văn học dân tộc. Qua việc tiếp nhận các tác phẩm thơ tự do, học sinh không chỉ có dịp nâng cao nhận thức thẩm mĩ, làm phong phú hơn cho đời sống tâm hồn mà còn nâng cao nhận thức về các thời đại văn học đã qua. Do vậy, việc khám phá, phân tích tác phẩm thơ tự do, ngoài việc chú ý đặc trưng thi pháp thơ trữ tình, học sinh cần được trang bị những hiểu biết về thơ tự do cũng như những định hướng cần thiết trong việc tiếp cận, phân tích thể thơ này.
1. Kết cấu thơ tự do
Để nhận diện về đặc điểm thơ tự do trước hết ở hình thức kết cấu, chúng ta phải luôn đặt nó trong mối tương quan đối xứng với thơ cách luật để làm rõ các yếu tố: số chữ trong câu, số câu trong khổ thơ, vần thơ và nhịp thơ…
Về dòng thơ, nếu như thơ cách luật hạn định về số câu trong bài, số chữ trong câu thơ thì thơ tự do, mỗi câu thơ không nhất thiết ứng với một dòng thơ mà có thể ngắt thành nhiều dòng. Mỗi dòng thơ có thể dài ngắn không xác định. Hiện tượng vắt dòng chỉ xuất hiện trong thơ hiện đại. Có thể xem đây là những khoảng trắng đầy tâm trạng của cái tôi. Nhịp điệu thơ chính là nhịp điệu tình cảm. Kiểu kết cấu này mở độ lắng cho mạch cảm xúc, tạo những nốt lặng của hồn thơ. Viết về cái chết và bi kịch của cuộc đời Lor – ca, nỗi bàng hoàng, đau xót của Thanh Thảo cũng như dồn cả vào chỗ vắt dòng của câu thơ:

Cần có phương hướng tìm hiểu thơ tự do thích hợp
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
(Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo)
Về cấu tạo, thơ tự do có thể có câu dài ngắn khác nhau, mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra nhiều đoạn ngắn, khổ thơ có thể không cần thống nhất và hạn định về số câu. Với đặc điểm này, thơ tự do có khả năng vận động, khai thác những đề tài rộng lớn của cuộc sống. Kết cấu bài thơ tự do hoàn toàn chịu sự chi phối bởi dòng chảy cảm xúc của nhà thơ.
Thơ tự do có thể không cần gieo vần hoặc nếu gieo vần thì cũng rất phóng túng không theo quy luật nhất định. Có thể gieo vần liên tiếp hoặc gián cách, vần ôm…Nói về vần trong thơ tự do, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nhận định: “Vần là một lợi khí đắc lực cho sự truyền cảm nhưng không phải hết vần là hết thơ, khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì rất hay. Nhưng khi nó gò bó thì hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các luật bằng trắc) phải tự thân nó. Khi gạt luật bên ngoài đi phải có luật bên trong rất mạnh”
2. Các nguyên tắc trong thơ tự do
Thơ tự do dù linh hoạt, cởi mở nhưng không chấp nhận sự tùy tiện, tự do cũng phải có kỉ luật của riêng mình. Xuân Diệu từng nói “tự do không có nghĩa là thích làm gì thì làm”, và theo Nguyễn Đình Thi thì tính chất tự do của các yếu tố hình thức bên ngoài luôn chịu sự chi phối của “luật bên trong rất mạnh”. Luật bên trong ấy chính là cái logic nội tại của tâm hồn, của tâm trạng cảm xúc thơ vậy. -> Sao việt nơi hoc thanh nhac va hoc hat karaoke bài bản và chuyên nghiệp nhất tại Hà Nội
Nhịp điệu trong thơ tự do cũng vậy, nó không ngắt nhịp đều đặn từ lớp vỏ ngôn ngữ bên ngoài như thơ cổ điển mà theo một kỉ luật bên trong đó là cảm xúc. Tính chất tự do trong thơ tự do và tính sinh động của hình thức nhằm diễn tả trung thực nội dung cảm xúc mà không bị lệ thuộc vào khuôn khổ của luật lệ thơ. Về hình thức, thơ tự do phải giữ được sự hài hòa trong nhịp điệu. Nhịp điệu ở đây chủ yếu dựa vào tiết tấu ở các mạch thơ, ở sự phối hợp các giai điệu trong thơ để tạo ra chất nhạc ngân lên từ bên trong câu thơ. Sự hài hòa của nhịp điệu trong thơ tự do thường thể hiện trong kết cấu nghệ thuật phù hợp với nhịp điệu cảm xúc. Cảm xúc nào, nhịp điệu ấy.
Như vậy, có thể hiểu đặc trưng bản chất của khái niệm “tự do” trong thơ tự do là sự phá vỡ các quy phạm cổ điển để hình thành một quy phạm mới, quy phạm tuân theo mạch cảm xúc.