“… Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường…”. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
Bài làm
Một du học sinh Nhật sau khi học tập và sinh sống ở Việt Nam bốn năm đã đưa ra lời nhận xét: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”. Sau khi đọc lời nhận xét trên, nhiều cư dân mạng tỏ ra hoan nghênh, đồng tình, cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng người viết có cái nhìn phiến diện. Nhưng với riêng tôi, câu nói đã đưa ra một vấn đề đáng quan tâm, suy nghĩ.
Trước tiên, ta phải hiểu chính xác ý mà người nhận xét đưa ra trong câu nói. “Văn hiến” là cụm từ thường được sử dụng ở những quốc gia có bề dày lịch sử như Việt Nam, Trung Quốc, chỉ việc hiền tài hiến dâng cái hay, cái tinh túy để tạo nên những truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. “Xấu hổ” là trạng thái cảm xúc bẽ bang, ngượng ngùng, có lỗi khi làm việc sai trái. “Hành xử” là cách hành động và ứng xử trong đời sống hàng ngày. Chỉ bằng một lời nhận xét ngắn, du học sinh vừa thể hiện thái độ ngưỡng mộ, tự hào trước nền văn hiến đa dạng, lâu đời của Việt Nam, vừa tỏ ý phê phán khi người Việt chưa thực sự biểu hiện thái độ ngưỡng mộ, tự hào trước nền văn hiến đa dạng, lâu đời cảu đất nước, vừa tỏ ý phê phán khi người Việt chưa biểu hiện né đẹp văn hóa ra ngoài trong cư xử đời thường. Trên tất cả, câu nói cũng có ý nhắc nhở mỗi người dân Việt, đừng chỉ ngủ quên trong niềm hãnh diện, chìm đắm trong sự tự hào về 4000 năm văn hiến dân tộc mà hãy phát huy nó ngay chính hiện tại ngày nay, hãy cư xử sao cho xứng với 4000 năm đó.
Tại sao “ thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến ?” Vì không phải quốc gia nào cũng có bề dày lịch sử trải qua hơn 4000 năm phát triển như Việt Nam, cũng không có dân tộc nào có nền văn hóa đa dạng, đầy màu sắc, đáng quí trọng như Việt Nam. Từ thuở mới lên ba, những đứa trẻ đã được học phần văn hiến Việt Nam qua những truyện từ truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ, đến sự tích về các vị vua Hùng, truyện lịch sử về anh hùng thời Lí, Trần, Lê,…Từ những câu chuyện tưởng chừng ngắn gọn giản đơn ấy, cả một nền văn hiến dân tộc được tái hiện sống động từ cách ăn mặc, đầu tóc, trang phục, cư xử, lòng đoàn kết,…Những mảng ghép về một nền văn hiến được ghép lại trong tâm trí và trái tim của mỗi người Việt từ tấm bé và ngày một hoàn thiện thành bức tranh tuyệt mĩ qua những bài học lịch sử sau này:
“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
Thế nên, 4000 năm văn hiến thật đáng là một niềm hãnh diện của mỗi người Việt. Nếu Anh tự hào vì họ có xưởng công nghiệp đầu tiên trên thế giới, Nga tự hào vì đã cho ra đời những đại thi hào tài hoa, thì Việt Nam tự hào là quốc gia duy nhất có ngày giỗ tổ 10/3, quốc gia trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, từ đó hình thành nên biết bao giá trị, bản sắc văn hóa.
Nhưng thật đáng buồn khi “4000 năm văn hiến ấy chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách ứng xử đời thường”. 4000 năm là một chặng đường dài nhưng nó đã nằm lại trong quá khứ, nằm lại trên trang sách, trang vở. Đất nước Việt Nam đã bước vào thế kỉ 21, thế kỉ của hội nhập và phát triển. Nếu ta chỉ biết ôm mãi tự hào về quá khứ vẻ vang mà không lấy nó làm nền tảng để phát triển hiện tại thì tương lai, con cháu ta sẽ được thừa hưởng điều gì chúng ta để lại? Văn hiến dạy ta biết yêu thương đoàn kêt thì ta lại giết nhau vì lợi nhuận. Hàng ngày, hàng giờ đều có người chết vì ngộ độc thực phẩm, ung thư hóa chất vì thực phẩm giả, bệnh hoài không khỏi vì thuốc giả. Văn hiến dạy ta biết cư xử nhã nhặn, thanh lịch thì ta lại nói tục, chửi bậy, biến tấu Tiếng Việt. Văn hiến dạy ta biết trân trọng âm nhạc truyền thống thì ta lại thích nghe nhạc Hàn mà ta không hiểu ca từ. Văn hiến dạy ta rất nhiều giá trị tốt đẹp nữa nhưng chúng ta đã bỏ qua, lãng quên, đổ lỗi do thời thế, hoàn cảnh đã đổi thay, văn hiến quá cổ không còn phù hợp nữa. Nhưng đó là những nhận định sai lầm, văn hiến có thể đã cũ nhưng giá trị của văn hiến không bao giờ thay đổi. Yêu thương, đùm bọc hay sẻ chia, đoàn kết chỉ có duy nhất một định nghĩa, một cảm nhận vì “Nền văn hóa của mỗi quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của người dân”. Chỉ cần mỗi người chúng ta bỏ đi một phần suy nghĩ thực dụng, để suy nghĩ về đồng bào thì nền văn hiến sẽ được sống lại, tiếp tục được kế thừa và phát triển.
Sự thực là hiện nay, rất nhiều người Việt làm được điều tuyệt vời đó. Bạn du học sinh mới chỉ chứng kiến một bộ phận nhỏ những người vô văn hóa, đã vội vàng đưa ra kết luận. Nhưng một bộ phận ấy không làm nên nền văn hiến của cả một đất nước. Có rất nhiều người Việt Nam mang trong mình kiến thức văn hiến và cư xử văn minh, văn hóa. Họ luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn hay Việt Nam có rất nhiều chương trình ý nghĩa như: Trái tim cho em, Lục lạc vàng, Chủ nhật đỏ,….Qua những chương trình đó, hàng triệu người Việt Nam đó đã gắn kết làm một, cống hiến và sẻ chia những thứ tốt đẹp, cùng nhau đưa Việt Nam phát triển hơn nữa. Tôi tự thấy bản thân thê hệ trẻ như mình phải có trách nhiệm vô cùng lớn lao. Không chỉ tìm hiểu 4000 năm văn hiến dân tộc mà còn phải phát huy, vận dụng chúng trong cuộc sống hằng ngày. Nước Việt Nam đã và đang bị văn hóa của quá nhiều nước xâm nhập, nhiệm vụ đặt ra trước mắt tôi và bạn thật cấp bách. Chúng ta hãy cùng nhau hành xử sao cho khi du khách nước ngoài đến thăm, họ nhìn thấy và khâm phục văn hóa Việt, hãy thể hiện nét đẹp văn hóa ra ngoài sao cho khi ta đi du lịch, học tập ở nước khác, ta tự hào nói: “Tôi đến từ Việt Nam”.
Đại dương rộng lớn, bao la nhờ những dòng sông nhỏ bồi đắp, văn hiến Việt Nam đa dạng, phong phú nhờ quá khứ 4000 năm lịch sử hình thành. Hãy chung tay để con đường hình thành bản sắc dân tộc được kế thừa và phát huy, được ké dài thành 5000 năm, 6000 năm hay thậm chí còn hơn thế nữa. Tôi và bạ sẽ cùng cho thế giới thấy đâu mới đích thực là người Việt Nam, là văn hóa Việt Nam.