Việc thay đổi cách thi toán từ hình thức tự luận sang thi trắc nghiệm đã làm cho nhiều bạn học sinh lúng túng trong phương pháp ôn tập trước kì thi. Bài viết này giới thiệu cho các em một số lưu ý trong quá trình ôn tập, từ đó giúp các em tự tin và có kết quả cao khi bước vào kì thi THPT Quốc gia 2017.
Câu hỏi thứ nhất: Thi trắc nghiệm thì có cần phải học trình bày như làm tự luận không?
Câu trả lời đó là, quá trình học kiến thức mới, các em vẫn học như đang học tự luận, trình bày đầy đủ và chi tiết bài toán, phân tích cách làm bằng nhiều cách. Việc làm tự luận giúp bạn nắm chắc kiến thức cơ bản. Qua đó giúp các em tự tin khi gặp những nội dung khác lạ so với kiểu luyện dạng, thủ thuật.
Cách làm tự luận cũng giúp các em kỹ thuật tính nhanh không cần dùng máy tính, phát triẻn tư duy sáng tạo và phát hiện cách làm độc đáo.
Câu hỏi thứ hai: Sách giáo khoa và sách bài tập đóng vài trò như thế nào trong luyện thi trắc nghiệm?
Sách giáo khoa và sách bài tập đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc luyện thi trắc nghiệm.
Học sinh cần đọc kỹ lý thuyết sách giáo khoa, luyện tập hết các dạng bài trong cả sách giáo khoa và bài tập. Có thể nói rằng nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thì tối thiểu các em sẽ đạt điểm 7. Việc nữa là các đề trắc nghiệm khai thác câu chữ trong sách giáo khoa và sách bài tập rất nhiều, vì vậy đọc kỹ giúp các em làm bài trắc nghiệm chắc chắn và tự tin hơn.
Câu hỏi thứ ba: Có quá chú trọng vào máy tính casio, hay các thủ thuật trắc nghiệm không?
Các em cần sử dụng máy tính như một công cụ bổ trợ, các chức năng cơ bản của máy tính casio các em cần sử dụng thành thạo. Thủ thuật làm bài phải dựa trên nền tảng lý thuyết chứ không phải là lệch lạc về kiến thức.
(Kiểu như bấm random thế nào để có đáp án đúng?).
Trong làm trắc nghiệm, việc phát hiện các tính chất đặc biệt là vô cùng quan trọng ví dụ như kiểm tra một tam giác là đều hay vuông có thể giúp nhanh chúng ta tìm tâm đường tròn ngoại tiếp hay việc phát hiện tính chất nghiệm, tính chất hình học đặc biệt trong không gian để tính góc, khoảng cách, tâm mặt cầu…
Hình minh hoạ: Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016
Câu hỏi thứ 4: Ôn các câu toán liên quan đến thực tế như thế nào?
Để ôn các bài toán thực tế, các em cần bám sát những phần lý thuyết thực tế trong sách giáo khoa, bài tập thực tế trong sách giáo khoa và bài tập, để từ đó có thể tìm hiểu các dạng bài toán thực tế phổ biến, các dạng câu hỏi thực tế xoay quanh các khái niệm đó. Ví dụ như bài toán lãi kép, có thể dùng công thức đó để tính tổng tiền gửi sau n kỳ hạn, hay số tiền gửi vào hay thậm chí là lãi suất trên mỗi kỳ hạn.
Câu hỏi 5: Học toán trắc nghiẹm các bài vận dụng cao như thế nào?
Trong một đề thi trắc nghiệm thường có 5 câu vận dụng cao, các câu này thường phân đều ở các nội dung khác nhau.
Chẳng hạn như hàm số, mũ logarit, số phức, hình học không gian và hình học oxyz. Với mỗi loại như vậy các em cần ôn luyện kỹ phần tự luận để tìm hiểu cách giải của những câu khó đó.
Câu hỏi 6: Làm sao để tính toán được thời gian làm bài trắc nghiệm hợp lý?
Việc làm trắc nghiệm, nguyên tắc cơ bản là câu dễ làm trước, khó làm sau. Ngoài ra có những câu tính nhẩm, nhanh không nên làm dụng máy tính vì dùng máy tính còn mất thời gian nhiều hơn.
Với nhiều câu hình học cần vẽ hình, tốc độ vẽ hình để hình dung ý tưởng làm bài cũng rút ngắn thời gian.
Với những câu như tích phân, nguyên hàm nếu cần dùng máy tính để làm thì cần sử dụng thành thạo. Tránh tình trạng vào phòng thi còn lúng túng trong việc sử dụng. Với phương trình nhẩm 1 nghiệm bấm kiểu gì? nhẩm nhiều nghiệm 1 lúc dùng cách nào? Những kỹ thuật này thì nhiều chuyên gia casio đã giúp các em bằng các video hướng dẫn trên youtube.
Trên đây là một số chia sẻ nhằm giúp các em chuẩn bị tốt trước kì thi trắc nghiệm toán THPT Quốc gia.
Chúc các em ôn thi thật tốt
Thầy Đỗ Viết Tuân -Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục-Quản lý chuyên môn trung tâm luyện thi EDUFLY.