Home / Tài liệu ôn thi / Tài liệu môn văn học / Cách lập dàn ý các dạng đề văn nghị luận xã hội

Cách lập dàn ý các dạng đề văn nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là những bài văn mà người viết dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề chính trị, xã hội, đời sống. Đề tài của dạng bài này hết sức rộng mở, bao gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, lối sống, những hiện tượng tích cực, tiêu cực trong đời sống, vấn đề thiên nhiên, môi trường, vấn đề hội nhập, vấn đề giáo dục nhân cách….Nghĩa là ngoài những tác phẩm văn học ( lấy tác phẩm văn học trong nhà trường làm đối tượng) thì tất cả các vấn đề khác được đưa ra bàn luận đều được xếp vào dạng nghị luận xã hội. Và để làm bài văn nghị luận xã hội tốt thì bản thân học sinh cũng cần có dàn ý tốt trước khi viết


1. Đối với đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí:

– Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu khái quát nhận định, đánh giá có nêu ra ở đề bài. Sau đó định hướng vấn đề nghị luận. 
Lưu ý: Học sinh phải trích dẫn nhận định và nêu luận đề của đề bài trong phần mở bài này.
– Thân bài: 
+ Giải thích Làm rõ nội dung vấn đề tư tưởng đạo lí được dẫn trong đề. 
     + Các biểu hiện của vấn đề trong thực tế đời sống.
     + Nhận định, đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí trong bối cảnh của cuộc sống hiện tại. 
     +  Ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đối với đời sống xã hội: Mặt tích cực, tiêu cực, đúng hay chưa đúng của tư tưởng đạo lí, khẳng định mặt đúng, tích cực, bác bỏ những biểu hiện sai lệch.
    +  Bàn luận mở rộng, nâng cao vấn đề: Đưa ra phản đề làm đối sánh nhằm khẳng định luận đề, mở rộng nâng cao vấn đề lên mức độ khái quát thành quan niệm sống, triết lí sống.
Học sinh cần nắm bắt chắc kiến thức trước khi làm bài
– Kết bài: Kết luận, tổng kết, nêu bài học sâu sắc cho bản thân về nhận thức, về hành động.
   Lưu ý: Bài làm ở dạng này cần lựa chọn góc độ riêng để giải thích, đánh giá và đưa ra ý kiến riêng của mình. Có thể chọn dẫn chứng từ 3 nguồn: thực tế, sách vở và giả thiết. Tuy nhiên không nên chọn nhiều dẫn chứng văn học, vì sẽ dễ sa vào nghị luận văn học.

2. Đối với đề bài nghị luận về một hiện tượng đời sống:

– Mở bài: Giới thiệu sự việc hiện tượng đời sống có vấn đề, cần bàn luận.
– Thân bài: 
      + Nêu thực trạng của hiện tượng, phân tích các mặt đúng, sai, lợi, hại. 
      + Tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả của hiện tượng.
      + Bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.
 + Đề xuất các giải pháp cụ thể đối với hiện tượng.
– Kết bài: Kết luận, khẳng định những vấn đề đã nêu trong thân bài.
Lưu ý: Bài làm ở dạng này cần lựa chọn góc độ riêng để phân tích, nhận định, đưa ra ý kiến và sự cảm nhận riêng của người viết.

3. Huy động nguồn dẫn chứng

Bài làm thiếu dẫn chứng cụ thể cũng là một thiếu sót thường xuyên xảy ra trong các bài làm văn nghị luận xã hội của các em học sinh. Để chứng minh một cách thuyết phục cho các luận điểm của một bài văn nghị luận xã hội, người viết phải sử dụng các dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu về những người thật, việc thật. Đây là một công việc vô cùng khó khăn đối với học sinh, bởi vì vốn hiểu biết về thực tế xã hội của các em còn quá ít. Để có thể có những hiểu biết nhất định về thời sự, về các vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng của đất nước, đặc biệt là các vấn đề đang được đưa ra bàn luận, được dư luận xã hội quan tâm, từ đó tích lũy thành những dẫn chứng cụ thể để đưa vào bài làm của mình, học sinh cần tích lũy từ nhiều kênh thông tin khác nhau như: sách vở, báo chí, truyền hình, internet, đời sống thực tế.… như thông tin về các vụ tai nạn giao thông, thống kê số người tử vong vì tai nạn giao thông trong một năm, thông tin về tình hình biến đổi khí hậu, về nạn gian lận thi cử trong các kì thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng, thông tin về sự kiện chàng trai Nick Vujicick đến Việt Nam….
Ví dụ: “Tháng 5-2013, Nick Vujicick chàng trai diệu kì đã đến Việt Nam. Anh sinh ra ở Austrailia, hiện sống tại California (Mĩ). Từ khi ra đời anh đã mắc hội chứng rối loạn gen hiếm gặp, gây ra sự thiếu hụt chân tay. Chàng trai không chân, không tay đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, với lòng lạc quan vô bờ bến, anh đã vươn lên, tự luyện tập để có thể vượt qua tật nguyền, làm được mọi việc mà những người bình thường vẫn làm, thậm chí là những việc người bình thường khó làm được. Nick Vujicick đã là tác giả của hai cuốn tự truyện nổi tiếng “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”; anh từng là diễn viên điện ảnh xuất sắc, là nhà diễn thuyết tài năng với hơn 1600 bài nói chuyện ở 24 quốc gia. Một lần nữa Nick Vujicick đã truyền lửa sống cho những người khuyết tật và những bạn trẻ ở Việt Nam”. (Theo báo Dân trí ngày 28-5-2013).
Trong quá trình đọc sách báo, nghe tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, học sinh cần ghi lại thông tin về những nhân vật tiêu biểu, những sự kiện, những con số chính xác về một sự việc nào đó để có thể huy động làm dẫn chứng cho bài viết của mình. 
Dĩ nhiên là các tư liệu về đời sống thực tế phải được các em tích lũy dần dần trong cuộc sống của mình. Điều đặc biệt chú ý là học sinh phải nhớ được tên cụ thể của con người hay hiện tượng đưa ra làm dẫn chứng, tránh việc đưa dẫn chứng chung chung kiểu như: có những người, có bạn học sinh, ở một trường học  nọ.…

Comments

comments

About kythiquocgia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *