Loại câu hỏi nêu lên đặc trưng, bản chất của các sự kiện, hiện tượng lịch sử, bao gồm sự đánh giá, thái độ của học sinh đối với các hiện tượng lịch sử ấy. Thường thì những câu hỏi này khó đối với học sinh. Nó đòi hỏi các em học sinh phải biết phân tích, đánh giá, biết bày tỏ thái độ của mình đối với sự kiện, hiện tượng lịch sử. học sinh rất ngại trả lời những câu hỏi này. Tuy nhiên giáo viên cần kiên trì, đưa thêm những câu hỏi gợi mở giúp các em trả lời câu hỏi chính.
Ví dụ như khi dạy bài 18 “ Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1950)” ở mục “Chiến dịch Biên giới thu – đông 1950”, giáo viên sử dụng câu hỏi “Tại sao ta chọn Đông khê làm điểm mở đầu chiến dịch mà không phải Cao Bằng hay Thất Khê?” Muốn trả lời được câu hỏi này, học sinh phải chú ý theo dõi, quan sát bản đồ để thấy được vị trí chiến lược của Đông Khê. Giáo viên hướng dẫn các em đưa ra câu trả lời, rồi nhấn mạnh các ý lớn: Giữa Đông Khê và Cao Bằng, nếu đánh Cao Bằng thì sẽ đụng đầu với với lực lượng mạnh của địch, hệ thống phòng ngự vững chắc, muốn đánh thắng phải tốn nhiều xương máu. Đồng thời nếu đánh Cao Bằng, địch sẽ rút tất cả các cứ điểm từ Đông Khê đến Lạng Sơn, như vậy sẽ không tạo điều kiện cho ta đánh quân rút chạy. Đông Khê là một cứ điểm, địch tương đối yếu (có một tiểu đoàn) nhưng lại là vị trí trọng yếu, mất Đông Khê, địch phải cho quân ứng cứu, Cao Bằng phải rút chạy… Ta có cơ hội tiêu diệt quan tiếp viện và quân rút chạy của địch. Hơn nữa Đông Khê ở xa Hà Nội, nếu địch tiếp viện cũng mất nhiều thời gian. Vì vậy ta quyết định đánh Đông Khê.