Home / Tài liệu ôn thi / Tài liệu môn văn học / Các dạng đề và cách làm văn nghị luận

Các dạng đề và cách làm văn nghị luận

Làm văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý luôn là một dạng văn tương đối khó với nhiều học sinh THPT, chính vì vậy nên để có thể hoàn thiện tốt những bài văn này thì bản thân học sinh cần có nhiều phương pháp làm bài khác nhau.


1. Dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí: 

    Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng đạo đức, lối sống, quan niệm của con người. Vấn đề tư tưởng đạo lí thường được nêu lên trong các ý kiến, nhận định của các bậc vĩ nhân, hay nhà thơ, nhà văn, hoặc được nêu ra ở tục ngữ, ca dao….
Ví dụ: 
 – Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (Theo sách Dám thành công – Nhiều tác giả, NXB trẻ, 2008, tr90): Đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2009. 
 – “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Lép Tônxtôi) . Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng nói chung và trình bày lí tưởng riêng của mình .
– “Đời người cũng như một bài thơ, giá trị của nó không tùy thuộc vào số câu mà tùy thuộc vào nội dung” (Seneca). Suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Văn nghị luận về tư tưởng đạo lý vô cùng phong phú
– “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lại được: Thời gian, lời nói và cơ hội” Lời nhắn nhủ này nhắc anh (chị) điều gì?
– Suy nghĩ của anh (chị) về lời dạy của Chúa Jesus: “Thiên đường ở chính trong ta. Địa ngục cũng do ta mà có”
– Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của Tuân Tử: “Người khen ta mà khen phải là bạn của ta, người chê ta mà chê phải là thầy của ta, những kẻ tâng bốc, xu nịnh là thù của ta”.
    Học sinh có thể nhận ra dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí khi nhận thấy đề bài yêu cầu bàn luận về một nhận định, một câu tục ngữ, hay một câu danh ngôn. Nhận định, tư tưởng thường được trích dẫn nguyên văn và được đặt trong dấu ngoặc kép. 

   2. Dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống:  

Xung quanh chúng ta hằng ngày có biết bao hiện tượng xảy ra. Có hiện tượng tốt, có hiện tượng xấu. Tất cả những điều xảy ra trong cuộc sống ấy đều là hiện tượng đời sống. Nghị luận về một hiện tượng đời sống là cách sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận để bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với đời sống xã hội, đáng khen, đáng chê, hay đáng suy nghĩ; có tính bức xúc, cập nhật nóng hổi diễn ra trong đời sống hàng ngày, được xã hội quan tâm như: an toàn giao thông, gian lận trong thi cử, bạo lực học đường, bệnh vô cảm, bệnh thành tích, bệnh đạo đức giả, hiện tượng mê muội thần tượng….từ đó làm cho người đọc hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu, để đồng tình hoặc bác bỏ trước những hiện tượng đó.

Các đề thường gặp là:

– Hãy viết một bài văn bàn về vấn đề: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay.
– Em có suy nghĩ gì về vấn đề bạo lực học đường đang diễn ra khá nhiều trong trường học hiện nay?
– Hãy viết một bài văn với tiêu đề: “ Nước – nguồn tài nguyên quý vô giá”.
– Hãy viết một bài văn bàn về vấn đề:  ô nhiễm môi trường .
– Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”
– Anh (chị) có suy nghĩ gì về căn bệnh vô cảm trong xã hội ta hiện nay?
– “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Suy nghĩ của em về ý kiến trên.
– Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:
    “Chiều ngày 30 – 4 – 2013, bên bờ sông Lam , đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba  học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.
                                 (Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 – 5 – 2013)
     Học sinh nhận ra dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống nhờ vào đối tượng được đề cập đến trong đề bài và yêu cầu của đề bài. Đối tượng được đề cập bây giờ không phải là một câu nói nào đó mà là một vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại. Thông thường trên dạng đề này có các từ ngữ như: hiện tượng, vấn đề, vấn nạn…. nhờ các từ ngữ nói trên, học sinh có thể xác định được dạng đề ngay tức thì.
    Tuy nhiên với một số đề thì vấn đề lại không hoàn toàn đơn giản như vậy. Có những đề có sự giao thoa giữa nghị luận về một tư tưởng đạo lí với nghị luận về một hiện tượng đời sống.

 Ví dụ:

Nhà hoạt động xã hội Martin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên?   
 Đề bài trên vừa bàn về tư tưởng đạo lí, vừa bàn về hiện tượng đời sống. Với dạng đề bài này, học sinh cần kết hợp yêu cầu bài làm của cả hai dạng đề để giải quyết. Trước hết các em cần xác định phần chung của hai dạng đề cần giải quyết, đó là:
     – Giới thiệu, tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng cần giải quyết.
     – Bình luận về tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống. Chỉ ra mặt đúng, mặt tích cực, hay mặt sai, mặt tiêu cực của vấn đề cần bàn luận.
     – Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
    Mỗi dạng đề có các yêu cầu riêng của nó. Dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí cần thiết phải giải thích ý nghĩa của tư tưởng đạo lí. Còn dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống cần thiết phải phân tích nguyên nhân và chỉ ra hậu quả của hiện tượng cần bàn luận. Đối với các đề bài có sự kết hợp cả hai dạng thì học sinh cần phải xác định luận điểm nhiều hơn, bao gồm cả phần chung và phần riêng đã nói trên.
Như vậy, nhận dạng đề là khâu quan trọng đầu tiên giúp học sinh xác định được hướng đi của bài làm, nhằm tránh việc lạc đề. Có thể thấy dạng đề được thể hiện khá rõ qua các dấu hiệu ngôn ngữ có trong đề bài. Đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí thường yêu cầu bàn luận về một nhận định, một câu tục ngữ, một câu danh ngôn. Nhận định, tư tưởng thường được trích dẫn nguyên văn và được đặt trong dấu ngoặc kép. Đề nghị luận về một hiện tượng đời sống thường đề cập đến đối tượng cụ thể là các hiện tượng, vấn đề, vấn nạn….học sinh có thể nhận biết dễ dàng nếu tập trung chú ý.

Comments

comments

About kythiquocgia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *