AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG – HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Sông Hương – dòng chảy địa lý
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi”. Nhớ đến mỗi miền quê, lòng người Việt nam luôn nhớ về một dòng sông quê hương yêu dấu. Dòng sông lặng lẽ bồi đắp phù sa cho quê hương, lặng lẽ bồi đắp tâm hồn con người, lặng lẽ dâng hiến cảm xúc thi ca cho con người xứ sở. Có thể kể đến một dòng sông Đuống thấm đượm linh hồn Kinh Bắc trong thơ của Hoàng Cầm, một dòng sông quê hương man mác trong thơ của Tế Hanh, một dòng sông Đà hung bạo mà cũng rất trữ tình trong xúc cảm Nguyễn Tuân. Và giờ đây là dòng sông Hương đằm thắm bí ẩn trong cuộc tình chung thủy với Huế qua những trang viết “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bằng tình yêu và sự am hiểu của mình về Hương giang, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tái hiện sinh động và phong phú dòng chảy địa lý của sông Hương.
Nói đến kí, người ta sẽ nhắc đến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài và thực sự thiếu xót nếu không nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường – cây bút chuyên về kí. Ông đã lưu lại trên từng trang viết của mình một phong cách kí độc đáo, tài hoa. Đọc tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, độc giả cảm nhận được vốn hiểu biết sâu rộng của một người đi nhiều, biết nhiều khi ông truyền đến người đọc những thông tin đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực: triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý,… Tất cả được hòa quyện trong từng trang viết, trầm lắng trong lối hành văn hướng nội, tạo thành sự hòa hợp giữa chất trí tuệ và trữ tình – nét duyên ngầm trong phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Lớn lên ở Huế, không lúc nào không cảm thấy thành phố như một khu vườn thân mật của mình” (Hoa trái quanh tôi), vì vậy nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đắm cả tâm hồn cùng đất trời, sông nước Huế để từ đó mang đến người đọc thiên kí đầy trí tuệ và chất thơ “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng sông Hương – dòng chảy địa lý và lịch sử, văn hóa. Với kiến thức uyên bác và tình yêu sông Hương tha thiết, nhà văn đã đưa người đọc đến với hành trình khám phá dòng chảy địa lý của con sông: từ vùng thượng nguồn đến thành phố Huế mộng mơ.
Viết về bất cứ một dòng sông nào trên đất nước, người ta cũng cần có, cũng cần thể hiện được tình yêu tha thiết lắng sâu và một sự am hiểu tường tận không hề sách vở về những vấn đề địa lý, lịch sử, văn hóa gắn liền với chúng. Bởi những dòng sông luôn là cái nôi của những vùng, những nền văn hóa đa dạng nhiều sắc màu. Viết về con sông Hương cũng cần và lại càng cần như vậy. Đây là sự thách thức nhưng là sự thách thức đã được chuyển thành tình yêu giục giã đầy tự nhiên, xao xuyến trong những ai yêu sông Hương và Huế. May sao ta đã có được những nhà thơ, nhà văn vượt qua những thử thách ấy để tặng cho sông Hương tác phẩm bất hủ “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một tác phẩm như thế.
Sông Hương được khám phá trước hết là dòng chảy của thiên nhiên. Nghĩ đến sông Hương, người ta luôn nghĩ về một dòng chảy lững lờ, êm đềm, đượm buồn. Tôi từng bắt gặp nét đẹp ấy trong những vần thơ của Hàn Mặc Tử “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” hay trong thơ Tố Hữu “Cầu cong như chiếc lược ngà / Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”. Thế nhưng đến với Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại khám phá nét bí ẩn của dòng sông này. Ông cho rằng “Nếu chỉ mải mê ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không thấu hiểu phần tâm hồn sâu thẳm mà dòng sông không muốn bôc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đã tìm được chiếc chìa khóa bí ẩn ấy, để mở cánh cửa tâm hồn sâu thẳm của dòng sông. Ông bắt đầu bước vào khám phá vẻ đẹp từ điểm khởi đầu : sông Hương ở vùng thượng nguồn. Khó có thể tưởng tượng được dòng sông lững lờ chảy qua thành phố Huế, dòng sông từng được Tố Hữu ví như mái tóc của nàng cung Nga hững hờ lại mang tính cách hoàn toàn đối lập ở vùng thượng nguồn : mạnh mẽ, man dại, phóng khoáng. Bằng những lien tưởng kì thú, Hoàng Phủ Ngọc Tường tái hiện tính cách dòng sông: Nó là bản trường ca của rừng già mãnh liệt qua từng ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn. Một loạt tính từ được nhà văn sử dụng: rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy,…kết hợp với cách ngắt câu ngắn và hình thức điệp cấu trúc đã tạo nên nhịp văn dồn dập, gợi dòng chảy cuồn cuộn, mãnh liệt, tuôn trào của dòng sông. Giữa rừng già của Trường Sơn, sông Hương đã góp một phần đời mình để tạo nên những cung bậc hoành tráng, nét đẹp nguyên sơ, thuần khiết và trong sáng của núi nước nơi đây. Nếu đã có lần, Nguyễn Tuân ví dòng sông Đà như “thiếu nữ với áng tóc tuôn dài, tuôn dài “ thướt tha, yêu kiều thì Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng ví sông Hương như “cô gái Digan phóng khoáng và man dại”. Người con gái trong sự lien tưởng của nhà văn mang cá tính mạnh mẽ, sống hết mình, cống hiến hết mình. Với sự so sánh này, độc giả lien tưởng dòng chảy của Hương giang vùng thượng nguồn tưng bừng, chứa đựng những khát khao cháy bỏng như vũ điệu đầy đam mê cuồng nhiệt của nàng thiếu nữ Digan. Hương giang hòa trọn một phần đời mình để tôn lên nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên giữa đại ngàn. Nhưng tính cách Hương giang nơi đây không chỉ đơn giản có thế. Với sự am tường về dòng sông, nhà văn còn khám phá được “Cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Mãnh liệt nhưng lại dịu dàng, phóng khoáng nhưng cũng có lúc lại say đắm. Chính sự đối lập ấy đã làm nên nét đẹp bí ẩn của dòng sông ở khúc khởi nguồn. Để rồi bằng tình yêu và duyên với quê hương Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phá được bề sâu, bề xa của hình tượng thiên nhiên này.
Giấu kín một phần đời mình giữa đại ngàn, khi ra khỏi rừng “người con gái Digan ấy bỗng biến đổi trơ thành người con gái đẹp được đánh thức sau giấc ngủ nhiều thế kỉ.” Người thiếu nữ vươn mình bắt đầu cuộc hành trình tìm về với Huế, với người tình mong đợi để trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Quả thực không sai khi nói rằng, “sông Hương đã trải qua một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi đến nơi gặp thành phố tương lai của nó”. Bằng vốn tri thức uyên bác của mình về địa lý của dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tái hiện cuộc hành trình gian nan nhưng quyết liệt, dòng sông hướng về Huế giống như bước chân của nàng Kiều khi “xăm xăm bang lối vườn khuya một mình” để đến với Kim Trọng. Ra khỏi rừng, sông Hương mang diện mạo thật dịu dàng và mềm mại “Uốn mình theo những đường cong thật mềm”. “Vòng giữa những khúc quanh đột ngột” trong sự chuyển dòng tìm về với Huế. Tác giả đã qui chiếu sự chuyển dòng đó với nét đẹp đầy gợi cảm: đó là những đường cong mềm mại trên cơ thể người thiếu nữ. Thủy trình xuôi về với người tình trong mong đợi của Hương giang không phải con đường bằng phẳng mà có biết bao nhiêu rào cản “Sông Hương chuyển dòng một cách lien tục”. Và nhà văn đã truyền đến cho người đọc những thông tin địa lý thật sinh động “Từ ngã ba tuần, sông Hương theo hướng Nam – Bắc qua Điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản”, rồi nó “chuyển hướng sang Tây Bắc, vượt qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một vòng cung thật tròn về phía Đông Bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Mỗi lần chuyển dòng tựa như một nét lượn mềm mại của Hương giang. Dáng vẻ thướt tha của nó ngỡ như sự vươn mình của người thiếu nữ vượt mọi rào cản để đến nơi hò hẹn.Từ ngã ba tuần, nơi hợp lưu của hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương được cảm nhận trong nhiều vẻ đẹp khác nhau “Sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn”. Âm hưởng của rừng già, của rừng núi hùng vĩ còn thấm sâu trong mạch chảy của dòng sông. Nhưng khi vượt qua lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trảm, dòng nước lại mang sắc xanh thẳm – nét đẹp đau đáu, chiều sâu của một tâm hồn. Nếu Nguyễn Tuân khi quan sát dòng sông Đà từ trên cao mà cảm nhận nó “như chiếc dây thừng ngoằn nghèo” thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cảm nhận nét đẹp của sông Hương khi “Nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững thành quách với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo” thì “Dòng sông mềm như một tấm lụa”. Một sự lien tưởng kì thú, một nét đẹp gợi cảm. Càng về gần với Huế, chiều sâu tâm hồn của Hương giang càng được đánh thức. Đấy là nét đẹp đầy hư ảo khi tấm lụa ấy in bóng “Những mảng phản quang đầy màu sắc” trên nền trời của thành phố “Sớm xanh trưa vàng chiều tím”. Một nét đẹp lung linh, huyền ảo, diễm lệ của dòng sông. Nói đến Huế, người ta nói đến thành phố của lăng, tẩm, đền đài tạo nên cho Huế không khí trầm mặc, cổ kính. Sông Hương khi chảy qua những đám “quần sơn lô xô”, “những rừng thông u tịch”, Hương giang nén đi vẻ đẹp uyển chuyển và kì ảo để khoác lên mình “Vẻ đẹp trầm mặc như triết lý cổ thi”. Dòng chảy thật chậm, thật tĩnh như sợ làm xáo động giấc ngủ nghìn năm của những bậc vua chúa nơi này. Nhịp chảu của sông Hương lúc này trầm mặc, im lìm, mang không khí thâm nghiêm. Nó như lời ca về một miền đất “bốn bề núi phủ mây phong, mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên”.
Vượt qua chân đồi Thiên Mụ, sông Hương về vùng ngoại ô Kim Long, hòa mình vào vẻ đẹp đầy sức sống non tơ của những biền bãi “sông Hương vui tươi hẳn lên”. Dòng chảy đến đây phấn trấn, rộn ràng. Nhà văn đã nhân cách hóa tâm trạng của Hương giang lúc này “vui tươi”, “một nét thực thẳng yên tâm hướng Tây Nam – Đông Bắc”. Bởi ở vùng ngoại ô này, “nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố, in ngần trên nền trời xanh nhỏ nhắn như một vầng trăng non”. Vậy là với sự quyết tâm và sự chí tình, sông Hương đã nhìn thấy đích đến của mình – phía trước là điểm của hẹn hò, điểm của tình yêu. Với bút pháp kể đan xen với nghệ thuật mieu tả, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dựng lại nét đẹp đa dạng phong phú của sông Hương trong cuộc hành trình về với Huế. Ông đã xây dựng sông Hương thành một nhân vật, một người để chuyện trò, đối thoại. Dưới ngòi bút tài hoa và cái nhìn mê đắm, tri thức sâu rộng của tác giả, sông Hương hiện lên có một cuộc đời phong phú, trải qua nhiều giai đoạn, khi gian truân lúc êm đềm. Nhà văn dõi theo từng nét quanh, nét lượn, từng bước ngoặt của sông Hương để nói với độc giả những ý tứ mà dòng sông muốn biểu lộ với con người và vùng đất châu hóa. Hoàng Phủ Ngọc Tường tựa như một tri kỉ của dòng Hương giang.
Rồi sông Hương gặp cầu Trường Tiền, gặp thành phố Huế, dòng sông cũng vươn đến được cái đích của mình. Niềm vui không ồn ào mà lặng lẽ, sâu lắng. Tác giả đã tái hiện dòng chảy địa lý của sông Hương ở đoạn này “Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Một đường cong mềm mại như chút lẳng lơ, như nét duyên thầm làm nũng để hòa mình vào vòng tay của người tình mong đợi. Sự so sánh của Hoàng Phủ Ngọc Tường thật kì thú. Đường cong như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu – một sự e lệ, kín đáo, nét duyên thầm của người con gái Huế trong vòng tay người tình mong đợi làm say đắm lòng người. Sông Hương trong lòng thành phố Huế mang nét đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính. Hiện đại là khi tác giả có những lien tưởng giữa sông Hương và dòng sông Xen của Paris và sông Đa Nuýp của Budapet. Sự so sánh ấy khẳng định “sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất”. Nhưng khác với những dòng sông kia, dòng chảy của Hương giang trong lòng thành phố Huế “Thành phố vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông”. Vì thế, sông Hương in bóng “những cây đa cổ thụ” , “Vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chai của linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn thấy được”. Khung cảnh ấy khiến cho dòng sông mang nét đẹp cổ kính. Phải chăng đó là nét riêng để lại dấu ấn không thể quên với những ai đã từng đến Huế. Trong vòng tay của Huế, sông Hương đằm thắm, lắng sâu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt lắng chiều sâu ngòi bút để gợi tả dòng chảy của con sông trong lòng thành phố. Giữa lòng thành phố Huế, dòng sông tĩnh lặng trôi thật chậm “in bóng cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp’. Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh “Sông Hương đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm cơ hồ chỉ còn một mặt hồ yên tĩnh”. Theo tác giả, sông Hương thật tâm lý khi chảy qua thành phố “Dòng chảy như để an ủi người ta đừng quá sầu buồn về sự biến đổi vô thường của cuộc đời, về sự vèo qua chóng mặt của thời gian”. Nước sông lặng lờ “để trăm nghìn cánh hoa bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng 7, từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn ở”. Bằng cách trôi đi của riêng mình, Hương ging như muốn nhắc lòng người rằng: cuộc đời này còn có nhiều điều đáng vấn vương, Đặc tả dòng chảy của sông Hương trong lòng thành phố Huế, nhà văn còn so sánh nhịp chảy của sông Hương với sông Neva. Nếu như “sông Neva chảy nhanh quá không kịp cho lũ hải âu nói điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo” thì sông Hương lại có điệu chảy lạc lờ qua thành phố. Nếu dòng chảy của Neva khiến tác giả nhớ đến Heraclit khóc suốt đời vì những dòng chảy trôi qua quá nhanh thì nhịp chảy của sông Hương khiến con người nhìn sâu vào tâm hồn, cảm thấy bao bin rịn nhớ thương của tâm hồn trầm mặc, đằm thắm, lắng sâu. Điệu chảy chẳng khác nào điệu slow nhẹ nhàng, tình cảm và du dương để lòng người mỗi lần đến Huế them giùng giằng, vương vấn bang khuâng. Vẻ đẹp đáng quý biết bao! Đoạn văn thê hiện những tri thức uyên bác, tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường về địa lý không chỉ của Hương giang mà còn của biết bao dòng sông của thế giới. Những sự lien tưởng, so sánh vừa tương đồng vừa đối nghịch đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Kiến thức địa lý hòa trong kiến thức âm nhạc, triết học, văn hóa,…Tất cả được biểu hiện qua một lời văn đậm chất phong tình. Cuộc gặp gỡ giữa sông Hương và thành phố Huế hòa quyện, cuốn quýt như cuộc hò hẹn của đôi tình nhân.
Thế nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, cuộc hò hẹn nào cũng phải chia li. Cuộc chia tay giữa dòng sông và thành phố Huế được nhà văn miêu tả không kém phần bịn rịn, lưu luyến. Rời khỏi kinh thành “Song Hương chếch về hướng chính Bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, hòa với màu xanh của khu vườn Vĩ Dạ, màu xanh mướt của tre, trúc và vườn cau ở vùng ngoại ô” Sắc màu bàng bạc của sương khói cùng màu xanh trong trẻo của Vĩ Dạ thôn khiến tôi nhớ đến lời thơ Hàn Mặc Tử thuở nào “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” và “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Mảnh đất nhiều sương khói vùng ngoại ô đã khoác lên mình sông Hương nét đẹp mơ màng, huyễn hoặc và thật bất ngờ “Như sực nhớ một điều chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vịnh xưa cổ”. Khúc quanh đột ngột này cho tôi hiểu rõ sự chí tình và gắn bó của dòng sông với Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường một lần nữa sử dụng biện pháp nhân hóa để nội tâm hóa hình dáng của dòng sông. Nhà văn cho rằng lần gặp lại này “là nỗi vấn vương và chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. Thả ngòi bút trong cảm hứng rất phong tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường liên tưởng : sự giùng giằng của sông Hương khi chia tay Huế “như nàng Kiều chí tình quay lại tìm Kim Trọng để nói lời thề trước khi về biển cả”. Lời thề sông Hương mang nặng lời thề của người Huế với quê hương xứ sở “Còn non còn nước còn dài còn về còn nhớ”. Nghệ thuật nhân hóa giúp nhà văn thổi hồn vào dòng sông tạo nên sự kết nối giữa sông Hương với con người và văn hóa mảnh đất kinh kì xưa nay.
Với đoạn văn tái hiện dòng chảy địa lý của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn người đọc vào cuộc hành trình khám phá nét đẹp của thiên nhiên Huế. Lần lượt theo dòng chảy của Hương giang, tôi bắt gặp khung cảnh thiên nhiên Huế lúc nguyên sơ, trong trẻo, lúc mượt mà khi kì ảo, lúc dịu dàng say đắm khi thâm trầm trang nghiêm. Sông Hương tôn lên vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên Huế, hòa nhập với không khí của văn hóa Huế. Tất cả đều sống động qua tình yêu tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc Tường với con sông này. Qua hình tượng sông Hương tôi còn cảm nhận vẻ đẹp cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường: một cái tôi trí tuệ uyên bác qua những tri thức phong phú với nhiều lĩnh vực, một cái tôi tài hoa phóng túng với những liên tưởng bất ngờ. Và trên hết là một cái tôi sâu nặng tình yêu và tự hào với Huế – quê hương của mình. Tất cả làm nên sức sống của thiên kí